Ngày 4/12/1999, UNESCO đã ghi danh Đô thị cổ Hội An vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới do đáp ứng được 2 tiêu chí: là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Phố cổ Hội An – một điểm đến hấp dẫn thu hút khách quốc tế và trong nước. |
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 30 km về phía nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển.
BẢO TÀNG SỐNG VỀ KIẾN TRÚC VÀ LỐI SỐNG ĐÔ THỊ
Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình đặc biệt về cảng thị truyền thống ở Đông Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo, từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… đến các món ăn truyền thống, tâm hồn của người dân nơi đây. Theo thống kê tháng 12/2000, Di sản thế giới Hội An có 1360 di tích gồm 1068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 đình, 44 mộ cổ loại đặc biệt và 1 cây cầu. Khoảng hơn 1.100 di tích trong số này nằm trong khu vực đô thị cổ.
Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại từ thế kỷ 17 – 19, phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Kiểu nhà ở phổ biến nhất ở Hội An là những ngôi nhà hình ống chỉ 1 – 2 tầng với chiều ngang hẹp, chiều sâu rất dài. Nhà được làm từ những vật liệu có sức chịu lực và độ bền cao do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt nơi đây, hai bên có tường gạch ngăn cách và khung nhà bằng gỗ. Thực chất, nhà phố ở Hội An bao gồm nhiều nếp nhà bố trí theo chiều sâu và cấu thành không gian kiến trúc gồm 3 phần: không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng. Mỗi ngôi nhà ở Hội An đều đảm bảo sự hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên, nên ngoài việc bố trí ngôi nhà thành các gian thì phần sân trời của ngôi nhà được lát đá và trang trí bể nước, non bộ, cây cảnh, tạo nên một nét đẹp tổng thể.
Những ngôi nhà trên những con phố nhỏ mang kiến trúc truyền thống Á Đông. |
Nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà phố, những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển và cả suy tàn của đô thị. Hội An từng là một trung tâm của Phật giáo sớm của Đàng Trong với đa số các ngôi chùa theo dòng Tiểu thừa. Nhiều ngôi chùa ở đây có niên đại khởi dựng khá sớm, nhưng hầu hết kiến trúc gốc đã bị thay đổi, thậm chí mai một qua những biến thiên của lịch sử và những lần trùng tu.
Các công trình đền miếu ở Hội An mang chức năng chính là nơi thờ cúng các vị tiên hiền có công sáng lập phố, hội và Minh Hương Xã. Loại hình kiến trúc này thường có hình thức đơn giản, nằm ngay trong làng xóm, bố cục mặt bằng 1 x 3 gian tường gạch chịu lửa, mái ngói âm dương với ban thờ được đặt ở gian chính giữa.
Hội An cũng là vùng đất ghi dấu nhiều sự pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán (Phúc Kiến, Trung Hoa, Triều Châu, Quỳnh Phủ và Quảng Đông) và đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Pháp.
Bên cạnh những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Chùa Cầu – cây cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An ngày nay. |
ĐỂ SỰ CUỐN HÚT CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN
Mang trong mình những giá trị như vậy nên có lẽ ở Việt Nam, không có đô thị nào hấp dẫn du khách thập phương hơn phố cổ Hội An khi nhiều người đến đây nhiều lần vẫn không thấy chán bởi một sự cuốn hút lạ kỳ, khó lý giải. Tháng 7/2018 vừa qua, Tạp chí du lịch Travel & Leisure nổi tiếng của Hoa Kỳ vừa công bố bầu chọn của các độc giả về top 15 thành phố hấp dẫn nhất nhất thế giới, trong đó Hội An xếp vị trí thứ 8. Nếu năm 2017, Hội An đón hơn 3,22 triệu lượt khách tham quan lưu trú; thì chỉ trong 9 tháng năm 2018, số lượng khách đến thành phố đã tăng kỷ lục 4,55 triệu lượt.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn để có thể phát huy giá trị di sản một cách tốt nhất, trong những năm qua, chính quyền thành phố luôn chú trọng công tác bảo tồn khu di sản bằng nhiều biện pháp, gồm: ban hành các văn bản quản lý; xây dựng cơ chế hỗ trợ (các chủ di tích) tu bổ các di tích xuống cấp với mức hỗ trợ từ 40 – 75% tổng kinh phí đầu tư; tuyên truyền vận động cộng đồng dân cư chung tay bảo tồn di sản; tạo điều kiện và cơ chế để ngày càng có nhiều người hơn được hưởng lợi từ di sản; nghiên cứu, xác định giá trị và phục hồi một số hình thức văn hóa phi vật thể của địa phương…
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp và có sự đồng thuận cao của cộng đồng, đến nay, khu Di sản Văn hóa Thế giới Hội An cơ bản đã thoát khỏi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, các hoạt động phát huy giá trị di sản được thúc đẩy mạnh mẽ, nhiều sản phẩm du lịch gắn với di sản được đầu tư, phát triển, góp phần thu hút lượng khách đến Hội An ngày càng đông, chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt.
Việc bảo tồn Di sản văn hóa Hội An đã mang lại những thành công nhất định, giải quyết được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, đáp ứng đời sống dân sinh, nhưng thực tế, đã xảy ra không ít những khó khăn, thách thức, những hiểm họa, nguy cơ đến từ thiên nhiên và con người mà các nhà quản lý khó có thể kiểm soát, ứng phó phù hợp và kịp thời. Do đó, để bảo tồn bền vững Di sản văn hóa thế giới Hội An, cần nhận thức rằng, bên cạnh việc tạo sự đồng thuận, chung tay, góp sức của cộng đồng và các bên liên quan, việc xác định được các nguy cơ ảnh hưởng đến các giá trị của khu di sản cũng hết sức quan trọng; quản lý di sản cần có một mô hình quản lý và những định hướng giải pháp phù hợp; có hành động cụ thể phù hợp với từng giai đoạn để Hội An xứng tầm là thành phố sinh thái – văn hóa – du lịch tiêu biểu.
Nguồn: https://baocaobang.vn/-3561.html