Tôi năm nay 53 tuổi, bị phì đại tuyến tiền liệt. Tôi muốn hỏi liệu bệnh này có thể gây ra suy thận không? (Trọng Tú, Hải Dương)
Trả lời:
Tuyến tiền liệt là một tuyến có kích thước bằng quả óc chó nằm giữa bàng quang và dương vật, chịu trách nhiệm sản xuất chất lỏng có tính kiềm để bảo vệ tinh trùng sau khi xuất tinh. Tuyến này tăng gấp đôi kích thước trong tuổi dậy thì và tiếp tục phát triển trong suốt tuổi trưởng thành nhưng với tốc độ chậm hơn nhiều.
Niệu đạo vận chuyển nước tiểu ra khỏi cơ thể, chạy qua tuyến tiền liệt. Nếu tuyến tiền liệt phát triển quá lớn, nó có thể đè lên niệu đạo và cản trở dòng nước tiểu, khi đó sẽ gây tiểu khó, tia nước tiểu ra yếu, tiểu không hết nước trong bàng quang, đôi khi dẫn đến bí tiểu. Ngoài ra còn kích thích gây tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đêm… Các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến lưu lượng nước tiểu gồm: sỏi đường tiết niệu, các cục máu đông, ung thư tuyến tiền liệt.
Bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến việc đào thải nước tiểu ra khỏi cơ thể cũng có khả năng gây tổn thương thận, thậm chí dẫn tới suy thận. Dù phì đại tuyến tiền liệt hay còn gọi là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (BPH) hiếm khi dẫn đến suy thận nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Các nguyên nhân khác gây suy thận bao gồm: bệnh tiểu đường, nhiễm trùng, tác dụng phụ của một số loại thuốc, huyết áp cao, mất nước nghiêm trọng, chấn thương thận…
Suy thận có 5 giai đoạn và người bị suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu định kỳ hoặc ghép thận. Một số trường hợp nặng của BPH còn gây những biến chứng khác như: tổn thương bàng quang, nhiễm trùng và tổn thương thận.
Phì đại tuyến tiền liệt là vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến hơn 50% nam giới trên 60 tuổi và hơn 80% những người trên 80 tuổi. Những người bị BPH có xu hướng nhận thấy những thay đổi trong thói quen tiểu tiện của bản thân và thường thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu. Triệu chứng này được gọi là tiểu đêm.
Do đó, khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu khác thường nào của thói quen tiểu tiện như: không thể đi tiểu, có máu trong nước tiểu, tiểu gắt buốt…, người bệnh nên đến gặp bác sĩ. Những người được chẩn đoán mắc BPH nên được kiểm tra thường xuyên. Để ngăn ngừa tổn thương thận, cũng như phát hiện sớm ung thư, người bệnh cần tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ như dùng thuốc và thay đổi lối sống. Các trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật. Điều trị nội khoa sớm BPH khi có triệu chứng sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ phải phẫu thuật. Người bệnh nên theo dõi sát và tuân thủ kế hoạch điều trị để giảm nguy cơ biến chứng xảy ra.
Thạc sĩ, bác sĩ Cao Vĩnh Duy
Trung tâm Tiết niệu – Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM