Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tháng tư... trên đường Ba Trại

Việt NamViệt Nam10/04/2025


(QBĐT) - Những năm tháng theo học đại học ở Hà Nội, tôi thuê trọ tại nhà ông Nguyễn Văn Minh gần chợ Ngã Tư Sở thuộc quận Đống Đa. Ông Minh là bộ đội từng chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Biết tôi người miền Trung, ông dành tình cảm khá đặc biệt, thường hay kể về kỷ niệm từng vùng đất mà mình đi qua: Sông Gianh, đường Ba Trại, Cự Nẫm, phà Long Đại, Đường 9-Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị... 50 năm sau ngày thống nhất non sông, tôi có dịp trở lại đường Ba Trại, theo đúng cung đường hành quân vào chiến trường của những người lính năm xưa trên đất Quảng Bình trong đó có ông Nguyễn Văn Minh.

 

Đường Ba Trại... những “lát cắt” lịch sử

 

Từ làng Cao Lao Hạ của xã Hạ Trạch cũ nay là xã Hạ Mỹ (Bố Trạch) rẽ về phía phải là đường Ba Trại. Đi chừng khoảng 2km sẽ đến núi Oằn nơi có Di tích lịch sử văn hóa Lăng mộ danh tướng Cần Vương Lê Mô Khải (còn có các tên gọi khác như Lê Mô Khởi, Lê Tuấn, Lê Ngọc Thanh).

 

Tướng Lê Mô Khải (1836-1895) người làng Cao Lao Hạ, đỗ cử nhân năm 26 tuổi, làm quan dưới thời Nguyễn đến chức Án sát tỉnh Hải Dương. Năm 1885, kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn ra tỉnh Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân giúp vua chống Pháp, cứu nước. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, tướng Lê Mô Khải chiêu mộ nghĩa quân trong vùng, xây dựng căn cứ Trại Nái trên vùng núi Lệ Đệ tính kế chống Pháp lâu dài. Căn cứ Trại Nái của nghĩa quân Lê Mô Khải phân thành 3 trại gồm trại trên, trại giữa và trại dưới vì thế nhân dân gọi vùng đất này là núi Ba Trại hay đồn Ba Trại và tuyến đường qua đây cũng mang tên Ba Trại.

Đường Ba Trại.
Đường Ba Trại.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khoảng cuối năm 1966, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Quảng Bình chủ trương mở thêm tuyến chi viện chiến lược từ bến phà Gianh qua Hạ Trạch, lên Ba Trại, vào xã Cự Nẫm ở ngã ba Thọ Lộc, chiều dài 11km, sau đó thông tuyến với đường 15, đường 20 Quyết Thắng thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh.

 

Chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo đảm cho tuyến giao thông Ba Trại luôn thông suốt là lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) của Đội TNXP N119 thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đại đội TNXP C759 (Tuyên Hóa); C751 (Bố Trạch) và C752 (Quảng Trạch). Mặc dù chỉ dài 11km nhưng suốt chiều dài tuyến đường, hàng trăm bộ đội, TNXP, người dân đã anh dũng ngã xuống vì bom đạn giặc Mỹ, “đường chưa thông không tiếc máu, tiếc công”.

 

Đi trên tuyến đường Ba Trại, chúng tôi được nhiều cựu TNXP ở các xã Hạ Mỹ, Cự Nẫm kể về gương anh hùng phá bom nổ chậm của các anh Trần Đức Hè, Hồ Văn Niệm cùng quê huyện Tuyên Hóa vào ngày 4/1/1968. Trong lễ truy điệu sống, “Dũng sĩ phá bom nổ chậm” Trần Đức Hè hứa: Dù có hy sinh tính mạng, vẫn quyết tử cho Tổ quốc, quyết sinh. Máu chúng tôi có thể đổ nhưng đường Ba Trại mãi mãi sẽ không bao giờ bị tắc. Và họ đã ngã xuống trên đường Ba Trại. Năm 2013, liệt sỹ Trần Đức Hè được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Ký ức “Làng một đêm”

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Cự Nẫm là nơi đóng quân của Binh trạm 26, Bộ đội Trường Sơn. Binh trạm đã tiếp nhận, đưa đón hơn hai triệu lượt bộ đội vào ra chiến trường an toàn theo đường Ba Trại. Giai đoạn 1969-1973, bộ đội trên đường hành quân đến Cự Nẫm, ở lại Cự Nẫm một đêm để sáng hôm sau đi vào Nam hay ra Bắc. Tên gọi “Làng một đêm” có từ đó.

 

Các bọ, các mạ, các o phụ nữ Cự Nẫm dành trọn tình cảm thương yêu, trìu mến cho bộ đội. Ấy vậy mà tình người “Làng một đêm” cứ theo suốt cuộc đời người lính trận: “Mắm cà vài thứ rau dưa/Sắn khoai nấu trộn gạo mùa thế thôi/Ăn no mấy đứa còn cười/Mạ ơi cơm cháy trong nồi còn thơm/Thoáng chốc chúng lại lên đường/Biết bao nhiêu đứa thành con của làng”... “Ấm áp hồn nhiên mô, tê, răng, rứa/Cho một đêm bình yên/Được ở/Trái tim/Luôn neo giữ/Một tên làng/Làng các mạ, các o” (Trường ca “Âm vang Cự Nẫm” của tác giả Trần Hải Sâm, một người con quê hương Cự Nẫm-P.V).

Nghĩa trang liệt sỹ thanh niên xung Thọ Lộc trên đường Ba Trại.
Nghĩa trang liệt sỹ Thanh niên xung phong Thọ Lộc trên đường Ba Trại.

Trong 8 năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ huy động 2.594 lượt máy bay các loại đánh phá Cự Nẫm, thả xuống vùng đất chưa đầy 10km2 này 55.497 quả bom; máy bay B52 rải thảm 12.600 tấn bom. Tính bình quân, mỗi người dân Cự Nẫm hứng chịu 16 quả bom. Toàn xã có 268 người chết, 221 người bị thương, 658 ngôi nhà bị hư hỏng; cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nặng nề. Đau thương mất mát là vậy, nhưng người dân Cự Nẫm vẫn sắt son, thủy chung, mở rộng tấm lòng đón bộ đội về nhà bảo bọc, chở che.

 

Ngày chúng tôi về Cự Nẫm, đến thăm Di tích lịch sử quốc gia “Làng chiến đấu kiểu mẫu” trong kháng chiến chống Pháp và gặp gỡ rất nhiều người dân ở thôn Trung Nẫm. Trong ký ức của bà con vẫn nguyên vẹn hình ảnh “bộ đội về làng”. Anh Nguyễn Văn Quang kể: Hồi đó ở Trung Nẫm, gia đình các ông Nguyễn Thụy, Nguyễn Miên, Phan Đản... bộ đội ở đông lắm. Người dân, các bọ, các mạ, các chị quây quần bên bộ đội, có cái gì ngon cũng đều dành cho bộ đội...

 

“Nhà bố tôi là Nguyễn Văn Khang, ngày nào cũng đều có bộ đội ở. Các anh đến rồi sáng hôm sau thì rời đi. Lúc đó tôi còn nhỏ, đêm đêm cứ quấn quýt bên các chú, các anh nghe kể chuyện”, anh Nguyễn Văn Phú, một người dân thôn Trung Nẫm cho biết thêm.

 

Với cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh ở Hà Nội, sau 50 năm thống nhất đất nước vẫn luôn đau đáu được một lần về lại Quảng Bình: “Chú đã đến các Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Đường 9, Thành cổ Quảng Trị để thắp hương cho đồng đội mình, nhưng chưa có dịp ghé Quảng Bình, đi theo cung đường hành quân ngày xưa, thăm Cự Nẫm, nơi chú và đồng đội được sống trong tình yêu thương của người dân chân chất, bình dị đúng một đêm trước khi vào chiến trường...”.

 

Từ Di tích lịch sử văn hóa Lăng mộ danh tướng Cần Vương Lê Mô Khải đến ngã ba Thọ Lộc, đường Ba Trại hôm nay được nâng cấp rộng mở chạy dưới những rừng thông bát ngát xanh. Dấu tích chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, cho vùng đất Ba Trại, Cự Nẫm bình yên. Kết thúc hành trình tháng tư trên đường Ba Trại, chúng tôi vào thắp nén hương tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Thọ Lộc, nơi an nghỉ của 561 liệt sỹ TNXP Ban 67.

Thanh Long



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/phong-su/202504/thang-tu-tren-duong-ba-trai-2225511/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm