Phì đại tuyến tiền liệt còn gọi là u xơ tuyến tiền liệt, tăng sinh lành tính hoặc u phì đại lành tính tuyến tiền liệt… là bệnh thường gặp ở nam giới lớn tuổi.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam Giới Men’s Health.
Nguyên nhân
Hiện tại, nguyên nhân chính xác của phì đại tuyến tiền liệt chưa được biết rõ.
Tỷ lệ mắc bệnh
– Tỷ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi.
– Hiếm gặp ở trước tuổi 40, khoảng 50% nam giới tuổi 50-60 và 90% ở tuổi 80-90 mắc bệnh này.
Triệu chứng
Triệu chứng xảy ra do niệu đạo bị tắc và bàng quang không tống được hết nước tiểu. Do đó thể gặp các vấn đề:
– Triệu chứng kích thích:
* Tiểu lắt nhắt cả ngày lẫn đêm.
* Tiểu gấp.
* Tiểu nhiều lần, nhất là về đêm.
– Triệu chứng tắc nghẽn:
* Tia nước tiểu yếu.
* Tiểu ngắt quãng.
* Tiểu phải rặn.
* Cảm giác tiểu không hết.
* Tiểu nhỏ giọt, có thể gây bí tiểu.
Chẩn đoán
– Chẩn đoán thông qua việc người bệnh có thể tự ghi nhận các triệu chứng bằng bảng điểm triệu chứng và chất lượng cuộc sống.
– Bác sĩ đánh giá tuyến tiền liệt bằng các cách:
* Thăm trực tràng bằng ngón tay để đánh giá các đặc điểm của tuyến tiền liệt.
* Xét nghiệm định lượng PSA (Prostate-Specific Antigen): Chỉ số này thường cao trong trường hợp ung thư tuyến tiền liệt và viêm tuyến tiền liệt.
* Siêu âm bụng đánh giá tuyến tiền liệt và toàn bộ hệ tiết niệu.
* Siêu âm trực tràng và sinh thiết tuyến tiền liệt khi nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt.
* Đo niệu dòng đồ đánh giá dòng nước tiểu và có thể soi bàng quang khi cần thiết.
Điều trị
Tùy vào mức độ bệnh lý mà bác sĩ có hướng điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Việc điều trị chủ yếu dựa vào mức độ rối loạn đi tiểu của người bệnh, không phụ thuộc nhiều vào kích thước của tuyến tiền liệt.
– Theo dõi:
* Người bệnh bị rối loạn đi tiểu nhẹ và ít ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống thì chỉ cần theo dõi định kỳ.
* Thay đổi trong lối sống sẽ giúp cải thiện triệu chứng như giảm/bỏ rượu và cà phê; tập thể dục điều độ; đi tiểu ngay khi thấy mắc tiểu; uống từng lượng nhỏ nước nhiều lần trong ngày; tránh uống nhiều nước trước khi đi ngủ; tránh căng thẳng.
– Dùng thuốc:
Hiện nay, nhiều loại thuốc phối hợp như thuốc làm giãn cơ vùng cổ bàng quang, thuốc làm nhỏ kích thước tuyến tiền liệt… giúp bệnh chậm tiến triển và làm tăng chất lượng cuộc sống người bệnh.
– Phẫu thuật:
Trường hợp rối loạn đi tiểu nặng hoặc có biến chứng thì cần thiết phải điều trị ngoại khoa:
* Nội soi cắt tuyến tiền liệt qua bằng dao đốt đơn cực, lưỡng cực, laser, xẻ rãnh tuyến tiền liệt…
* Mổ mở.
Mỹ Ý