TP HCMAnh Tuấn, 43 tuổi, ngủ ngáy do viêm amidan, quá phát cuốn mũi, hẹp eo họng, được bác sĩ phẫu thuật nội soi chỉnh hình cuốn mũi dưới và màn hầu lưỡi gà, cắt amidan.
Kết quả nội soi tai mũi họng của anh Tuấn tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy viêm amidan quá phát (viêm amidan tái phát gây sưng to), quá phát cuốn mũi dưới hai bên và hẹp eo họng. Eo họng là phần phía sau của họng bao gồm màn khẩu cái mềm, lưỡi gà, amidan, đáy lưỡi.
Ngày 4/12, ThS.BS.CKI Phạm Thái Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết có nhiều nguyên nhân phối hợp dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, ngủ ngáy “như sấm” ở người bệnh. Cuốn mũi quá to cản trở quá trình thở qua mũi, đặc biệt khi ngủ. Hẹp eo họng gia tăng áp lực lên đường thở, thời gian dài khiến thành họng phù nề, gây viêm mũi họng, viêm amidan quá phát, ngủ ngáy.
Cân nhắc ưu, nhược điểm của điều trị nội khoa và ngoại khoa, bác sĩ tư vấn phẫu thuật “3 trong 1” cho bệnh nhân gồm nội soi chỉnh hình cuốn mũi dưới, cắt amidan và chỉnh hình họng màn hầu lưỡi gà. Phẫu thuật chỉnh hình họng màn hầu lưỡi gà giúp mở rộng đường thở vùng họng bằng cách cắt bỏ tổ chức mô mềm màn hầu, thành bên họng, có thể kèm cắt amidan.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, cho biết phẫu thuật “3 trong 1” giúp hạn chế thực hiện nhiều lần, nhưng người bệnh sẽ có cả hai vết mổ ở miệng và mũi, có thể gây khó chịu hơn. Để khắc phục, ê kíp lần lượt cắt amidan và chỉnh hình màn hầu lưỡi gà bằng công nghệ Coblator giúp cắt, đốt và cầm máu tại chỗ, hạn chế tổn thương mô lành. Sau đó, mổ cắt bán phần cuốn mũi dưới qua nội soi, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và bảo tồn chức năng mũi xoang.
Anh Tuấn xuất viện sau hai ngày phẫu thuật, sức khỏe ổn định, nói chuyện được, không khó chịu vùng mũi họng, ngủ ngon hơn và hết ngáy.
Bác sĩ Hằng cho biết thêm hẹp eo họng có nhiều mức độ, ở mức độ nặng, tiếng ngáy không chỉ ảnh hưởng đến người xung quanh mà còn làm nặng hơn bệnh lý nội khoa đang có như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng nguy cơ đột quỵ… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Điều trị ngủ ngáy cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, trong đó có Tai Mũi Họng, Hô hấp, Nội thần kinh… Trường hợp phức tạp cần hội chẩn liên chuyên khoa kết hợp, cần làm các kiểm tra hình ảnh học và chức năng như nội soi tai mũi họng, đo hô hấp ký, đo đa ký giấc ngủ, chụp CT hàm mặt… để xác định nguyên nhân, điều trị phù hợp.
Người bệnh được tư vấn các phương pháp điều trị không can thiệp (dùng máy trợ thở) và can thiệp (bao gồm phẫu thuật điều trị nghẹt mũi, phẫu thuật chỉnh hình họng màn hầu lưỡi gà, phẫu thuật xương hàm, đốt sóng cao tần). Thông thường phối hợp đa phương pháp mang lại kết quả tốt hơn.
Theo bác sĩ Hằng, dù chọn phương pháp điều trị nào, mục đích cuối cùng là bệnh nhân được cải thiện giấc ngủ, hết ngủ ngáy, các bệnh nội khoa cũng được kiểm soát tốt hơn.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần duy trì lối sống khoa học, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và kiểm soát tốt các bệnh mũi xoang để phòng bệnh tái phát.
Khánh Ngọc
* Tên bệnh nhân đã thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |