Kinhtedothi – Ngày 12/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Diễn đàn “Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững”, tập trung thảo luận các khung pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Với sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành T.Ư, TP Hà Nội, các DN và nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu về phát triển quy hoạch phát triển đô thị.
Phát triển bền vững – cấp thiết từ nhiều góc độ
Những năm gần đây cùng với quá trình phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam cũng diễn ra mạnh mẽ, nhưng đi kèm đó là những thách thức, áp lực về nguồn cung tài nguyên, an ninh năng lượng, gia tăng chất thải… làm biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến môi trường sống.
Giải pháp phát triển đô thị xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, để bảo đảm sự hài hòa và cũng là chủ trương, chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, vì vậy các chuyên gia, nhà quản lý sẽ đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng trên tại Diễn đàn “Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững” do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức.
Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm thứ hai triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cũng như việc Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Theo các chuyên gia, phát triển đô thị để tạo động lực tăng trưởng kinh tế đô thị là một chỉ dấu kinh tế tích cực. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm với những thách thức to lớn đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng: khói bụi, tắc nghẽn giao thông, sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên… là những vấn đề đang được các cấp, ngành, cơ quan chức năng và dư luận đặc biệt quan tâm. Do vậy, chiến lược phát triển đô thị xanh bền vững tập trung vào ba trụ cột chính: phát triển không gian xanh; năng lượng tái tạo; và giao thông bền vững. Phát triển không gian xanh là việc cam kết tăng cường diện tích cây xanh trong tất cả các dự án phát triển đô thị mới. Việc sử dụng năng lượng tái tạo là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển đô thị xanh.
“Chúng tôi nhận ra sự cần thiết của việc phát triển bền vững không chỉ từ góc độ kinh tế, mà còn từ trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững không chỉ nhằm tạo ra môi trường sống lành mạnh nhất cho cư dân, mà còn để đóng góp vào cuộc chiến toàn cầu vì một tương lai trái đất xanh và sạch hơn” – PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ.
Hành động tích cực
Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, những năm qua, Việt Nam là một trong số các quốc gia luôn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cùng với tăng trưởng kinh tế, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng diễn ra nhanh với mức tăng bình quân hàng năm trên 1%, nhưng kéo theo là những áp lực về nguồn cung tài nguyên, an ninh năng lượng, gia tăng chất thải, tác động đến môi trường và gia tăng các ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu.
Đứng trước những thách thức toàn cầu và của quốc gia, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
Theo số liệu thống kê, đến hết quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt khoảng 500 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu mét vuông, đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định 280/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (đến năm 2025 đạt 80 công trình xây dựng; đến năm 2030 đạt 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả).
Ngoài việc tăng nhanh về số lượng, công trình đạt chứng nhận công trình cũng được mở rộng sang nhiều loại hình, bao gồm cả công trình có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu; nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dich vụ, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho dự án công trình xanh còn nhiều hạn chế…
“Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển công trình xanh, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành: Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh trong đó có các dự án công trình xanh; Quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh; Nghiên cứu đề xuất quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng vào nội dung dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm 2025…” – Thứ trưởng Phạm Minh Hà cho hay.
Thủ đô Hà Nội là một trong những địa bàn có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhất cả nước và đang đứng trước nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, do dân số liên tục gia tăng và áp lực ngày càng lớn từ sự phát triển kinh tế, vấn đề môi trường trở thành một mối quan tâm hàng đầu đối với chính quyền TP. Với một cái nhìn chiến lược và cam kết hành động lâu dài, TP kêu gọi sự cộng tác từ các đối tác, chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân để cùng nhau xây dựng nên những đô thị đáng sống.
Trên cơ sở đó, Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh một cách toàn diện và bền vững. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường và quản lý năng lượng hiệu quả. Quản lý năng lượng hiệu quả là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị xanh của Hà Nội.
Các chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo đang được triển khai rộng khắp, từ việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các tòa nhà công sở cho đến việc nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng sang đèn LED tiết kiệm điện… Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Nội đã và đang phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng cư dân đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về lợi ích của đô thị xanh. Qua đó tạo ra sự thay đổi từ nhận thức đến hành động trong cộng đồng.
Chuyển đổi xanh công trình xây dựng cần phải được ráo riết thực hiện bằng những chương trình theo định hướng cụ thể, rõ ràng và có định lượng, việc đánh giá phải được ràng buộc pháp lý chặt chẽ. Công trình xanh thì phải thỏa mãn những yếu tố thân thiện môi trường, gắn với xã hội và con người về mặt nhân văn. Kiến trúc xanh thỏa mãn yêu cầu thẩm mỹ và công năng tốt, giải quyết hiệu quả về tính bản sắc, tiên tiến về hình thái – nội dung, đạt hiệu ứng rõ ràng về đáp ứng tính bản địa gắn với phong tục tập quán địa phương.
TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-do-thi-xanh-chuyen-bien-tich-cuc-tu-chinh-sach-den-thuc-te.html