Để Hà Nội trở thành hình mẫu của đô thị xanh

Báo Đô thịBáo Đô thị12/02/2025


Sẽ sớm giải quyết những thách thức

Hà Nội với quy mô dân số gần 10 triệu người, diện tích hơn 3.300km2, là một trong 20 TP có diện tích tự nhiên lớn nhất thế giới. Cùng sự phát triển nhanh chóng, TP Hà Nội đối mặt với thách thức lớn về ô nhiễm không khí, nguồn nước, ùn tắc giao thông...

Trước thực trạng đó, đô thị xanh là hướng đi không thể thiếu để bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Đô thị xanh không chỉ là những không gian với nhiều cây xanh, mà còn là sự tích hợp của các giải pháp sáng tạo trong sử dụng năng lượng, quản lý nguồn nước, giao thông và công nghệ thông tin.

Hà Nội được định hướng trở thành đô thị thông minh, hiện đại - xanh - sạch - đẹp - an ninh - an toàn. Ảnh: Thanh Hải
Hà Nội được định hướng trở thành đô thị thông minh, hiện đại - xanh - sạch - đẹp - an ninh - an toàn. Ảnh: Thanh Hải

Hiện nay, TP Hà Nội được định hướng trở thành đô thị thông minh, hiện đại - xanh - sạch - đẹp - an ninh - an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển... Tạo chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường, theo Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Chiến lược tăng trưởng xanh đã được cụ thể hóa vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, cùng với Luật Thủ đô.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, lần đầu tiên môi trường được xem như hành động cấp bách trong quy hoạch. Các từ khóa “xanh, số, thông minh, bền vững” được “cấy gen” vào các quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch phát triển không gian xanh, công cộng, không gian ngầm, không gian trên cao và không gian số. Bên cạnh đó, TP cũng phát triển giao thông xanh, thông minh, đồng thời nghiên cứu xây dựng tiêu chí và ban hành các quy định về xây dựng vùng phát thải thấp.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, TP Hà Nội thí điểm lập vùng phát thải thấp (LEZ) ở một số khu vực tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, theo nghị quyết của  HĐND TP Hà Nội. Các khu vực được chọn thí điểm vùng phát thải thấp này sẽ hạn chế hoặc cấm ô tô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Một trong những điểm mới trong Luật Thủ đô 2024 là tạo cơ hội phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD - Transit Oriented Development). Đây là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm, tăng khả năng, sự thuận tiện cho người dân tiếp cận các điểm trung chuyển, các ga đường sắt đô thị. Qua đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng và tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường”.

Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS Nguyễn Đức Kiên nhận định, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô 2024. Đây là một cơ sở quan trọng để Thủ đô có thể phát triển với tốc độ nhanh, bền vững, trở thành đầu tàu của kinh tế - xã hội cả nước. Trên thế giới, vấn đề phát triển đô thị bền vững là biểu hiện cụ thể của phát triển kinh tế bền vững ở một nơi có mật độ dân cư rất cao. Hơn nữa, phát triển đô thị xanh còn khuyến khích việc hình thành các ngành công nghiệp mới liên quan đến công nghệ xanh, việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch và dịch vụ môi trường. Khi các TP chuyển sang mô hình phát triển này, họ có thể khai thác được lợi thế cạnh tranh trong một nền kinh tế ngày càng ưa chuộng sản phẩm và dịch vụ bền vững.

Tạo đột phá trong bảo vệ môi trường

Theo KTS Lê Hoàng Phương - Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, đơn vị chủ trì lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và tham gia phần chính Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050), cả 2 đồ án quy hoạch đều nhìn nhận cần phải giải quyết vấn đề môi trường - vấn đề nghiêm trọng của Hà Nội. Vì vậy, cả 2 đồ án đều đưa nhiệm vụ đột phá, trọng tâm cần phải giải quyết là ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và thay đổi phát triển.

Đưa những định hướng quy hoạch triển khai dần vào thực tiễn, ngay từ những ngày đầu năm 2025, TP đã thông qua phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch cùng kế hoạch thực hiện đồng bộ các hạng mục cải tạo cảnh quan đô thị, hình thành trục cảnh quan sinh thái của dòng sông; xử lý triệt để nguồn xả thải, nạo vét tổng thể sông Tô Lịch.

Với mục tiêu hướng tới là đưa Hà Nội trở thành một trong những hình mẫu của đô thị xanh, thông minh, có bản sắc của một Thủ đô nghìn năm văn hiến, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải mọi dự án phát triển phải lấy tiêu chí xanh làm nền tảng. Cụ thể hóa Luật Thủ đô với phương châm “Thể chế thông thoáng - quản trị thông minh - nhận thức, tư tưởng thông suốt” với 3 “Quy” đồng bộ để tổ chức thực hiện hiệu quả “Quy hoạch chi tiết - Quy chế, quy trình - Quy chuẩn, tiêu chuẩn”.

Đồng thời đẩy mạnh ba chuyển đổi là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ; ứng dụng công nghệ số; nghiên cứu để xây dựng tiêu chí xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xây dựng “vùng phát thải thấp”; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế là chìa khóa quan trọng để tiếp cận các kinh nghiệm quý báu và công nghệ tiên tiến từ những đô thị xanh hàng đầu thế giới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

 

Trong thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực mở rộng và bảo vệ các công viên, vườn hoa và không gian công cộng với nhiều công trình mới ở Hà Nội được thiết kế theo hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tích hợp các công nghệ xanh. Về lĩnh vực giao thông, Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng, nhất là phát triển các tuyến đường sắt đô thị.

Hà Nội cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo. Các công việc này đang được triển khai rộng khắp, từ việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên các tòa nhà công sở cho đến việc nâng cấp hệ thống chiếu sáng công cộng sang đèn LED tiết kiệm điện.



Nguồn: https://kinhtedothi.vn/de-ha-noi-tro-thanh-hinh-mau-cua-do-thi-xanh.html

Chủ đề: đô thị xanh

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available