Một nhóm nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Tự nhiên Đức tìm thấy những mảnh vỡ còn sót lại của tiểu hành tinh phát nổ phía trên nước Đức hôm 21/1.
Hôm 21/1, một tiểu hành tinh phát nổ trên bầu trời Đức 95 phút sau khi có thông tin cảnh báo. Các nhà nghiên cứu bắt đầu săn tìm bất kỳ mảnh vỡ nào có thể thuộc về thiên thạch bốc cháy trong khí quyển và rơi xuống Trái Đất. Hiện nay, họ đã phát hiện một số mảnh vỡ, IFL Science hôm 26/1 đưa tin.
Những mảnh vỡ lớn cỡ hạt óc chó của tiểu hành tinh 2024 BX1 được thu thập bởi các nhà nghiên cứu đến từ Bảo tàng Tự nhiên Berlin và cộng sự. Họ có kiểm tra để xác nhận chúng đến từ vật thể ngoài hành tinh. 2024 BX1 là vật thể thứ 8 được dự đoán có 100% khả năng va chạm với Trái Đất.
Tiểu hành tinh này được phát hiện lần đầu tiên khoảng 3 giờ trước va chạm. Krisztián Sárneczky ở Trạm núi Piszkéstető thuộc Đài quan sát Konkoly gần Budapest, Hungary, phát hiện vật thể trên bầu trời và báo cáo phát hiện với Trung tâm hành tinh nhỏ. Đây là hệ thống quốc tế chứa cơ sở dữ liệu về tất cả vật thể nhỏ di chuyển qua hệ Mặt Trời. Dữ liệu sau đó được chia sẻ tự động với các nhà thiên văn học.
Nhờ Scout, một hệ thống đánh giá va chạm tự động theo dõi đường bay của những vật thể mới phát hiện, giới nghiên cứu có thể xác định rõ tiểu hành tinh 2024 BX1 sẽ đâm vào Trái Đất. Quả cầu lửa sáng rực từ vật thể có thể nhìn thấy từ Cộng hòa Czech. Theo dự kiến, mảnh vỡ sẽ rơi xuống phía tây Berlin. Thực tế, các nhà khoa học tìm thấy nhiều mảnh vỡ nhỏ ở huyện Havelland.
2024 BX1 có kích thước ước tính khoảng một mét nên không gây nguy hiểm. Nó chắc chắn vỡ thành nhiều mảnh khi bay qua khí quyển. Nhưng thu thập những mảnh vỡ còn sót lại rất quan trọng. Nếu tìm được đủ sớm, chúng sẽ ít tiếp xúc với yếu tố gây ô nhiễm trên Trái Đất và cung cấp mẫu vật gần như tinh khôi về tiểu hành tinh.
Nghiên cứu về thiên thạch và đất đá từ các nhiệm vụ thu thập mẫu vật rất cần thiết nhằm giải đáp nhiều câu hỏi cơ bản về quá trình hình thành hệ Mặt Trời. Các hệ thống dự đoán tiểu hành tinh cũng đóng vai trò thiết yếu đảm bảo an toàn cho Trái Đất thông qua phát hiện vật thể gây nguy hiểm đủ sớm để gửi thông báo hoặc sơ tán khu dân cư bị ảnh hưởng.
An Khang (Theo IFL Science)