MexicoHố xanh Taam Ja’ sâu ít nhất 420 m dưới mực nước biển và có thể kết nối với một hệ thống hang động và đường hầm ẩn.
Trong chuyến lặn thám hiểm ngày 6/12/2023 nhằm xác định những điều kiện môi trường phổ biến tại hố xanh Taam Ja’ của Mexico, các nhà nghiên cứu phát hiện đây là hố sụt dưới nước sâu nhất thế giới dù thậm chí chưa đo tới đáy. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science hôm 29/4, do Juan Carlos Alcérreca-Huerta, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Hội đồng Khoa học và Công nghệ Quốc gia Mexico, cùng các đồng nghiệp tiến hành.
Hố xanh là những hang động thẳng đứng chứa đầy nước, còn gọi là hố sụt, hiện diện ở các vùng ven biển nơi nền đá gốc cấu tạo từ vật liệu có thể hòa tan như đá vôi, cẩm thạch hoặc thạch cao. Chúng hình thành khi nước trên bề mặt thấm qua đá, hòa tan khoáng vật và khiến các vết nứt ngày càng mở rộng, cuối cùng khiến đá sụp đổ.
Các phép đo mới cho thấy hố xanh Taam Ja’ ở vịnh Chetumal, ngoài khơi bờ biển đông nam của bán đảo Yucatan, sâu ít nhất 420 m dưới mực nước biển. Như vậy, cấu trúc này sâu hơn 146 m so với số liệu đo đạc khi phát hiện lần đầu vào năm 2021 và sâu hơn 119 m so với cấu trúc giữ kỷ lục trước đó – hố xanh Sansha Yongle, còn gọi là Hố Rồng, sâu 301 m ở Biển Đông.
Trong chuyến thám hiểm cuối năm ngoái, nhóm chuyên gia thực hiện các phép đo bằng máy đo độ dẫn, nhiệt độ và độ sâu (CTD) – một thiết bị có bộ đầu dò để đọc và truyền các đặc điểm của nước lên bề mặt theo thời gian thực thông qua cáp. Máy đo CTD cũng cho thấy nhiều lớp nước khác nhau trong hố xanh Taam Ja’, bao gồm một lớp dưới 400 m, nơi có điều kiện nhiệt độ và độ mặn tương tự biển Caribbean, và những đầm phá rạn san hô ven biển gần đó. Điều này cho thấy hố xanh có thể kết nối với đại dương thông qua một mạng lưới đường hầm và hang động ẩn.
Năm 2021, các nhà khoa học đã không thể xác nhận độ sâu tối đa của hố xanh Taam Ja’ do hạn chế của thiết bị. Máy đo CTD trong nghiên cứu mới cũng không thể tìm thấy đáy hố vì chỉ hoạt động được ở độ sâu tối đa 500 m. Nhóm nghiên cứu đã đưa máy đo xuống độ sâu này, nhưng dây cáp gắn với máy có thể bị đẩy theo dòng nước hoặc va vào gờ đá khiến máy dừng hoạt động ở độ sâu 420 m.
Tiếp theo, các chuyên gia dự định tìm hiểu độ sâu tối đa của hố xanh Taam Ja’ cũng như hệ thống hang động và đường hầm phức tạp dưới nước. Họ nhận định, trong hố xanh sâu thẳm này cũng có thể tồn tại sự đa dạng sinh học cần khám phá.
Thu Thảo (Theo Live Science)