Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kinh tế châu Á giữa sóng gió vì thuế của Mỹ

Báo Thanh niênBáo Thanh niên29/03/2025

Việc Mỹ tăng thuế đối với ô tô cũng như nhiều loại hàng hóa khác đang tác động lớn đến kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nhưng các nền kinh tế khu vực vẫn còn động lực quan trọng để phát triển.


Mới nhất, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu và xe tải nhẹ bắt đầu từ tuần tới. Động thái này dẫn đến thương chiến toàn cầu leo thang thêm bước mới, khiến giới chuyên gia ngành công nghiệp ô tô dự đoán sẽ đẩy giá xe lên cao và gây ảnh hưởng chuỗi cung ứng.

Ô tô Nhật Bản, Hàn Quốc đều gặp khó

Trong phân tích gửi đến Thanh Niên, Công ty phân tích Moody's đánh giá tác động của diễn biến trên đối với các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kinh tế châu Á chao đảo trước thuế ô tô Mỹ tăng cao - Ảnh 1.

Mẫu xe Tundra của Toyota (Nhật Bản) được lắp ráp hoàn thiện tại một cơ sở của bang Texas (Mỹ)

Cụ thể, mức thuế trên sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản là ô tô được vận chuyển đến Mỹ. Trong trường hợp của Hàn Quốc, con số này là 4%. Phản ứng sau diễn biến trên, thị trường chứng khoán ở cả hai quốc gia này đều bị ảnh hưởng khi cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô lao dốc. Mức thuế như vậy sẽ làm suy yếu niềm tin, ảnh hưởng đến sản xuất và giảm đơn đặt hàng. Với chuỗi cung ứng phức tạp trong sản xuất ô tô, tác động sẽ ảnh hưởng khắp nền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc. Công ty phân tích Moody's ước tính nguyên nhân vừa nêu có thể khiến tăng trưởng kinh tế của các nước này giảm từ 0,2 - 0,5 điểm phần trăm.

Cũng theo phân tích trên, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ tăng cường đầu tư vào Mỹ nhằm đàm phán các biện pháp miễn trừ hoặc giảm thuế quan. Vừa qua, Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) đã công bố khoản đầu tư 21 tỉ USD vào Mỹ để sản xuất ô tô và phát triển chuỗi cung ứng vật liệu quan trọng.

Không chỉ đối mặt khó khăn do việc bị tăng thuế trực tiếp, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc còn gặp phải thách thức gián tiếp do đang duy trì các cơ sở sản xuất tại Mexico và Canada. Điển hình, các hãng xe Nhật Bản như Toyota, Honda, Nissan và Mazda, cùng hãng ô tô Hàn Quốc KIA đều đang có các nhà máy ở Mexico và Canada. Chính vì thế, Mỹ và các nước láng giềng leo thang thương chiến sẽ khiến cho các hãng vừa nêu đối mặt nhiều áp lực khác.

Động lực tăng trưởng nội tại

Trong khi đó, Standard & Poor's (S&P) Ratings, nhà xếp hạng tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới, vừa có báo cáo mới chỉ ra động lực tăng trưởng cho khu vực APAC vốn đang đối mặt căng thẳng vì thuế quan của Mỹ.

Tuy nhiên, báo cáo của S&P Ratings dẫn nhận định của ông Louis Kuijs, trưởng kinh tế gia APAC của S&P Ratings, cho rằng: "Mặc dù chúng tôi đã điều chỉnh giảm nhiều dự báo về GDP của các nước, nhưng các điều chỉnh đều nhỏ. Cân đối các chính sách phản ứng và áp lực bên ngoài tác động đến APAC, chúng tôi vẫn nhấn mạnh khả năng phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực".

Cụ thể, báo cáo trên vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc là mức 4,1% vào năm 2025 và 3,8% vào năm 2026. Tuy nhiên, báo cáo đã điều chỉnh thành phần tăng trưởng của Trung Quốc năm 2025 theo hướng dự kiến xuất khẩu yếu hơn và nhu cầu trong nước mạnh hơn.

"Tăng trưởng của Trung Quốc vào cuối năm 2024 tốt hơn chúng tôi dự báo. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng của quốc gia này vào năm 2025. Hơn nữa, mục tiêu tăng trưởng và kích thích tài khóa năm 2025 của Trung Quốc hướng đến tham vọng lớn hơn dự báo của S&P Ratings trước đó", ông Kuijs lý giải nguyên nhân S&P Ratings vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2025.

Cũng theo đó, một số nền kinh tế APAC có khả năng phải đối mặt với thuế quan trực tiếp của Mỹ khi Washington đang có kế hoạch tăng "thuế quan có đi có lại" đối với các đối tác thương mại và mức thuế đối với dược phẩm và chất bán dẫn sau khi đã tăng thuế đối với ô tô.

Úc, Indonesia, New Zealand và Philippines sẽ ít có nguy cơ bị Washington tăng thuế hơn vì các nước này thường có thuế nhập khẩu thấp đối với hàng hóa Mỹ. Bên cạnh đó, thặng dư thương mại song phương giữa các nước vừa nêu với Mỹ cũng không lớn, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực cũng không nằm trong danh sách mục tiêu áp thuế ở trên.

"Tuy nhiên, toàn bộ APAC sẽ gánh chịu tác động gián tiếp của tình trạng hỗn loạn thuế quan. Tăng trưởng chậm lại trên thị trường toàn cầu do xung đột thương mại và sự bất ổn chính trị sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu", ông Kuijs đánh giá và cho rằng: "Ngoài ra, các nhà sản xuất châu Á sẽ cảm thấy áp lực từ các nhà sản xuất Trung Quốc khi các nhà sản xuất Trung Quốc mở rộng thị trường sang các nước khác để thay thế thị trường Mỹ".



Nguồn: https://thanhnien.vn/kinh-te-chau-a-giua-song-gio-vi-thue-cua-my-185250328230824733.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm