Chiều 10/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến với 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; cho ý kiến đối với nội dung bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Thảo; các đồng chí phó trưởng ban, ủy viên Ban Chỉ đạo thực hiện các CTMTQG tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Giai đoạn 2021 – 2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư công 47.057,642 tỷ đồng cho các địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc để thực hiện 3 CTMTQG. Ngân sách Trung ương năm 2023 hỗ trợ 22.480,294 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư 11.534,856 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 10.945,438 tỷ đồng. Đến nay các địa phương trong vùng phân bổ 11.287,675 tỷ đồng vốn đầu tư, đạt tỷ lệ 97,8%.
Giải ngân vốn ngân sách Trung ương từ đầu năm 2023 đến hết ngày 30/6/2023 là 3.764,855 tỷ đồng, đạt 32,63% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với nguồn vốn kéo dài năm 2022 chuyển sang năm 2023 giải ngân 6 tháng đầu năm 2.020,738 tỷ đồng, đạt 41,2%, nâng lũy kế giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 là 74%.
Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, dự án, tiểu dự án nội dung thành phần thuộc các CTMTQG, các địa phương trong vùng cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn. 100% địa phương vượt tỷ lệ giảm hộ nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 25,69%; tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt bình quân 3,61% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch); tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được quy hoạch sắp xếp, bố trí di dời đạt 42,5/60% mục tiêu kế hoạch. Có 963/2.022 xã (47,6%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4,3 điểm phần trăm so với cuối năm 2021).
Trong quá trình thực hiện các CTMTQG còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: Việc thẩm định dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ở cấp tỉnh làm tăng thời gian phê duyệt; các dự án đầu tư còn nhỏ lẻ, dàn trải dẫn đến số lượng hồ sơ, thủ tục phải triển khai lớn. Các CTMTQG được phê duyệt và quy định tỷ lệ vốn đối ứng sau thời điểm quyết định kế hoạch vốn trung hạn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025 nên việc bố trí vốn đối ứng thực hiện các chương trình theo tỷ lệ quy định khó đảm bảo. Nguồn vốn sự nghiệp được giao theo từng năm và phân theo hạng mục chi tiết, các địa phương khó khăn trong việc xác định mục tiêu của giai đoạn và chuyển đổi vốn giữa các nội dung trong chương trình để thích ứng với điều kiện thực tế. Một số tỉnh được giao mục tiêu, nhiệm vụ chưa phù hợp với tình hình triển khai thực tế của tỉnh…
Tại hội nghị, các địa phương, bộ, ban, ngành Trung ương chia sẻ những vấn đề, vướng mắc và hạn chế trong quá trình triển khai các CTMTQG; cho ý kiến đối với nội dung bổ sung vào Dự thảo Luật Đất đai liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí đo đạc hồ sơ địa chính…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương linh hoạt lồng ghép trong thực hiện các CTMTQG, tránh đầu tư dàn trải; công tác giải ngân phải đi vào thực chất, tới được đúng địa chỉ đồng bào dân tộc thiểu số cần hỗ trợ; các địa phương tích cực học tập, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai thực hiện các CTMTQG; quyết liệt thực hiện giải ngân hết vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023, phấn đấu giải ngân ít nhất 90% vốn năm 2023. Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành chủ quản theo dõi các nhiệm vụ được phân công, chuẩn bị giải trình Quốc hội tại kỳ họp tới; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp đề xuất những nội dung cần đưa vào nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc về luật liên quan đến các CTMTQG.
Xuân Thương