PhápNovak Djokovic từng sáu lần vô địch Paris Masters, nhưng Roger Federer và Andy Murray mới một lần đăng quang, còn Rafael Nadal mới một lần vào chung kết.
Nhóm “Big 3” của quần vợt thống trị tại các giải Masters 1000 gần giống với cách họ áp đảo tại Grand Slam. Djokovic, Federer và Nadal giành tổng cộng 103 danh hiệu ở cấp độ ATP 1000. Nếu tính cả Murray ở nhóm “Big 4”, con số này là 117.
Ở rất nhiều giải Masters 1000, họ hiếm khi để lọt chức vô địch vào tay ai khác ngoài nhóm. “Big 3” chỉ một lần bỏ lỡ danh hiệu tại Indian Wells trong giai đoạn 2004-2017. “Big 4” giành 12 trong 15 chức vô địch tại Miami trong giai đoạn 2005-2019. Nadal vô địch 10 lần ở Rome và 11 lần ở Monte Carlo, còn Djokovic lên ngôi tổng cộng tám lần ở hai giải đó. Ở các sự kiện khác, hiếm khi trận chung kết vắng bóng một người thuộc “Big 3”.
Nhưng có một ngoại lệ trong hệ thống ATP 1000, là Paris Masters – giải đấu khởi tranh hôm nay 30/10. Trong quá khứ, Djokovic đã sáu lần vô địch tại đây. Nhưng Federer và Murray chỉ lên ngôi một lần, còn Nadal chưa từng đăng quang.
Năm ngoái, Holger Rune ở tuổi 19, lần đầu vô địch Masters 1000 tại Paris, gia nhập danh sách những nhà vô địch bất ngờ kể từ năm 2010 gồm Robin Soderling, David Ferrer, Jack Sock và Karen Khachanov. Không ai trong số họ từng giành được danh hiệu đơn Masters 1000 nào khác. Ba người khác, gồm Denis Shapovalov, Filip Krajinovic và Jerzy Janowicz lọt vào trận chung kết Masters 1000 duy nhất của họ trong sự nghiệp cũng tại Paris.
Một số yếu tố khiến Paris trở nên khác biệt, bao gồm việc đây là giải đấu lớn cuối cùng trong năm cho tất cả. Cựu tay vợt Brad Gilbert, hiện là chuyên gia của ESPN nhận xét: “Các tay vợt đến đây với sự mệt mỏi, điều đó mang lại rất nhiều điều khó lường”.
Nhưng thể lực không phải lý do duy nhất cho những bất ngờ. Tuổi tác và gia đình cũng ảnh hưởng không nhỏ. Vedran Martic, HLV của Khachanov, nhắc đến việc tay vợt Nga chỉ mới 22 tuổi khi vô địch. Ông giải thích rằng các tay vợt trẻ hơn và có thứ bậc thấp hơn sẽ nỗ lực hơn để tìm thấy thành công ở sự kiện cuối, sau một mùa giải dài và khó khăn. Họ không thường tiến sâu vào các giải đấu hàng tuần như những tay vợt top đầu. Điều này mang lại cho họ những đôi chân tươi mới và giàu năng lượng hơn ở cuối mùa.
Những tay vợt lớn tuổi hơn cũng có nhiều khả năng có vợ con. Người thân của họ đang háo hức chờ đợi quãng nghỉ 2 tháng giữa hai mùa giải bắt đầu, nên thất bại không phải điều quá tệ với các tay vợt này. Còn những người ở top 8 trên bảng Race to Turin, họ có lẽ sẽ nghĩ nhiều đến ATP Finals – sự kiện danh giá diễn ra sau Paris Masters chỉ một tuần.
Craig Boynton, HLV tay vợt số 11 thế giới Hubert Hurkacz, cho biết mặt sân ở Paris bóng không nảy cao, khiến các tay vợt khó thiết lập pha bóng và giành điểm nhanh. “Điều đó đang gây mệt mỏi về tinh thần và đôi chân”, ông Boynton nói.
HLV của Hurkacz – người vừa thua chung kết ATP 500 ở Basel, nhấn mạnh yếu tố mệt mỏi ở Paris thường nằm ở khía cạnh tinh thần hơn thể chất. “Thái độ là quan trọng nhất”, Boynton nói thêm. “Nhiều người đến Paris nhưng trong đầu nghĩ về kỳ nghỉ và họ có xu hướng chấp nhận việc sớm kết thúc giải đấu”.
Về trường hợp của Rune – người vô địch Paris Masters ở tuổi 19 năm ngoái, Gilbert nhận xét hai yếu tố giúp tay vợt Đan Mạch vô địch là tuổi trẻ và sự tự tin có được từ các giải mùa thu. “Nếu bạn đang thăng hoa, đây sẽ là một nơi tốt để bứt phá”, chuyên gia ESPN nói.
Năm 2018, Khachanov cũng vừa vô địch ở Moscow và đến Paris với phong độ cao. “Cậu ấy cũng chơi tốt ở sân cứng trong nhà và thích bầu không khí ở Paris”, Martic, HLV của Khachanov, lý giải thêm.
Lịch đấu của các tay vợt lớn cũng là một nguyên nhân. Federer rút lui hoặc bỏ Paris Masters tới bốn lần trong giai đoạn 2010-2019, một phần vì giải đấu tại quê nhà Basel của anh diễn ra ngay ở tuần kế trước. “Tàu tốc hành” không chỉ vô địch tại Basel bảy lần và vào chung kết hai lần trong giai đoạn đó, mà anh còn dành nhiều sức lực để hỗ trợ cho sự kiện.
Thực tế cho thấy nhiều tay vợt lớn coi trọng ATP Finals hơn Paris Masters. Ba trong số bốn lần rút khỏi giải ATP 1000 tại Paris Masters, Federer vẫn dự ATP Finals. Nadal cũng bốn lần dự ATP Finals sau khi rút lui hoặc bỏ dở Paris Masters vì chấn thương.
Những người có động lực lớn nhất tại Paris bên cạnh các tài năng trẻ, là những người cần điểm để cạnh tranh vé dự ATP Finals. Theo Gilbert, năm nay các tay vợt sẽ nghiêm túc hơn tại Paris Masters, bởi ATP có cách chia thưởng mới. 20 triệu USD sẽ được phân phối cho 30 tay vợt có nhiều điểm tích lũy nhất từ các giải Masters 1000 và ATP Finals. “Số tiền là không nhỏ và tôi đoán là những người ở gần quỹ thưởng sẽ lao vào cuộc chiến thực sự ở Paris”, Gilbert nói.
Nhưng mọi thứ sẽ khó khăn hơn cho những người muốn bứt phá ở Accor Arena năm nay, khi Djokovic đang ở trạng thái sung sức nhất. Tay vợt vĩ đại nhất ở cấp độ Masters 1000, người vào chung kết Paris Masters bảy trong tám giải gần nhất, vừa nghỉ ngơi trong một tháng rưỡi. Vậy nên, bất chấp những yếu tố bất ngờ và có lợi cho lớp trẻ, khả năng người đàn ông 36 tuổi hiện diện ở trận đấu cuối cùng tại Paris vẫn rất cao.
Nhân Đạt