Nếu nửa cuối năm thuận lợi và “nỗ lực hết sức”, tăng trưởng GRDP thành phố 2023 khả quan nhất có thể đạt 7%, theo ông Phan Văn Mãi.
Nhận định được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu tại phiên họp về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng và nhiệm vụ giải pháp nửa cuối năm chiều 29/6. Năm nay, TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7-8%. Tuy nhiên, với tình hình nửa đầu năm, người đứng đầu thành phố cho rằng kết quả cả năm có thể chỉ ở mức “tiệm cận” mục tiêu, kịch bản khả quan nhất là gần 7%. “Nhưng đạt được con số này cũng hết sức khó khăn”, ông Mãi đánh giá.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, tăng trưởng GRDP thành phố 6 tháng đạt 3,55%, nhờ quý II tăng tốc lên mức 5,87%, từ 0,7% của quý I. Hai động lực là đầu tư công và khu vực dịch vụ tích cực.
Trong đó, đến hết 29/6, thành phố giải ngân được 21% chỉ tiêu vốn đầu tư công do Chính phủ giao và dự kiến đạt 23% vào ngày 30/6. “Dù không đạt chỉ tiêu 35% nhưng vốn đầu tư công đã giải ngân hơn 14.000 tỷ đồng, so với thời điểm này của năm ngoái chỉ gần 6.000 tỷ thì cũng là số lượng lớn”, ông Mãi cho biết.
Theo TS Trần Du Lịch, kinh tế TP HCM đã chạm đáy vào quý I và đang trên đà phục hồi.”So với lúc kết thúc quý I, thời điểm này dù thành phố còn khó khăn nhưng tâm thế đã vui vẻ hơn nhờ kinh tế phục hồi và Nghị quyết 98 được thông qua”, ông Lịch nhận định. Theo chuyên gia, điểm nhấn là tăng trưởng GRDP quý II “ngoạn mục” vượt lên GDP cả nước. Nửa đầu năm, công nghiệp tăng 2,59%, cao hơn mức 0,44% của cả nước.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS) đánh giá kinh tế của đầu tàu tiếp tục cải thiện. Trong đó, sản xuất công nghiệp giữ được đà phục hồi từ tháng 4. Dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành cũng giữ được đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng khá cao. Cầu tiêu dùng hàng hóa đã khởi sắc hơn trong quý II.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo TP HCM khó đạt mục tiêu tăng trường GRDP 7,5-8% năm nay. Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư dự kiến tăng trưởng GRDP TP HCM năm nay có thể đạt 7%.
Lý do bởi kinh tế thế giới tiếp tục biến động, bất ổn và chịu ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế lớn. Bản thân thành phố cũng chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch, và bị ảnh hưởng bởi khó khăn chung của thị trường tài chính, bất động sản trong nước.
Theo TS Trần Du Lịch, dự báo tăng trưởng nửa cuối năm có thể đạt 8% nhưng con số này không đủ sức để kéo GRDP cả năm đạt mục tiêu. Do đó, mục tiêu 2023 là năm tăng tốc sau đại dịch cũng không thành. “Mục tiêu của TP HCM sau đại dịch xác định 2022 là phục hồi, 2023 là tăng tốc, nhưng tình hình này phải lỡ hẹn một năm đến 2024”, ông Lịch nói.
Ông Lịch dự báo xuất khẩu còn tiếp tục gặp khó do kinh tế thế giới nguy cơ không chỉ trì trệ mà trở thành “trì lạm” (trì trệ và lạm phát). Trong nước, trung ương và địa phương có nhiều nỗ lực nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn trong tình trạng đình đốn, nguồn lực bị bào mòn.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM, cho biết doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn vẫn thiếu đơn hàng 30-50% tùy theo ngành nghề. Doanh thu doanh nghiệp ngành da giày, may mặc giảm 30-50%, gỗ giảm 30%, cao su – nhựa giảm 20%, thép giảm 40-50%. Có 95% doanh nghiệp do hiệp hội khảo sát báo lỗ và tồn kho lớn.
“Doanh nghiệp đang thiếu vốn kinh doanh, cần vốn duy trì dòng tiền đang đứt gãy. Chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp chưa phát huy tác dụng nhiều, lãi suất giảm nhưng vẫn ở mức cao”, ông Hưng nói. Ngoài ra, phía hiệp hội đánh giá thủ tục hành chính chưa cải thiện, đặc biệt là thủ tục đầu tư và hoàn thuế đang rất khó do tâm lý sợ sai và phòng thủ của một số cán bộ.
Theo HIDS, để tăng trưởng 2023 là 7,5% thì quý III cần tăng trưởng 11,31-15,35% và quý IV là 7,98-11,89% . Trong khi mục tiêu 8% đòi hỏi GRDP quý III phải tăng 12,8 -16,0% và quý IV là 9,35 – 12,45%.
“TP HCM đang có hai cơ hội lớn là kinh tế quý II đã phục hồi rõ nét với dịch vụ và đầu tư công khởi sắc. Nhưng nửa cuối năm do nguy nhiều hơn cơ nên khả năng khó đạt mục tiêu 7,5-8%”, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS nhận định.
Để tiếp tục trợ lực cho doanh nghiệp và giữ đà phục hồi, HIDS kiến nghị tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chi tiêu công. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó, cần tập trung khai thác thị trường nội địa bằng các chương trình khuyến mại, liên kết kích cầu thương mại – du lịch, mở rộng tín dụng tiêu dùng.
“Kích thị trường nội địa lúc này là cực kỳ quan trọng”, TS Trần Du Lịch đồng tình. Ngoài ra, ông cho rằng phải tạo sức bật cho thị trường bất động sản. Tập trung tháo gỡ 2 điểm nghẽn: điều chỉnh quy hoạch và định giá đất. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ chế liên kết với ngân hàng, xử lý nhanh gọn hơn các thủ tục thuế, hải quan, phòng cháy chữa cháy.
Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng trung ương cần chỉ đạo thực thi các gói hỗ trợ đi vào thực tế hơn, đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế, kéo dài chính sách giảm VAT về 8% đến hết năm 2024. Với TP HCM, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng có chính sách hỗ trợ phát triển thị trường mới, giải phóng hàng tồn.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi dự báo tình hình quý III và 6 tháng cuối tiếp tục cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn. Ông đề nghị các sở ngành, quận huyện tập trung giải ngân vốn đầu tư công và chỉ tiêu công. Các đơn vị có nhu cầu bổ sung vốn cho các dự án giải ngân tốt thì nhanh chóng trình kế hoạch.
Thành phố cũng đang lên kế hoạch chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu chi phí hàng tồn kho, củng cố thị trường, cũng như tăng kích cầu bằng cách kéo dài tháng khuyến mãi từ một lên 3 tháng. Ông Mãi cũng yêu cầu cơ quan thuế triển khai thủ tục hoàn thuế nhanh và đơn giản hơn cho doanh nghiệp.
Có 113/232 vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước được tháo gỡ trong thời gian qua và sẽ tiếp tục thời gian tới. 169/189 nội dung vướng mắc từ 148 dự án bất động sản đã được chuyển giao cho các sở ngành và có thông báo tiếp nhận giải quyết. Ngoài ra, có 20/44 hồ sơ dự án đề nghị cấp chấp thuận đầu tư và gia hạn đầu tư đã được trình lên UBND xem xét. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ xếp lịch hàng tuần và hàng tháng để giải quyết các hồ sơ và sẽ công bố rộng rãi tiến độ giải quyết”, ông Mãi cho hay.
Viễn Thông