Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. HCM ngày 25/9, các đại biểu Bồ Đào Nha bày tỏ kỳ vọng về tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Ông Ricardo Arroja, Chủ tịch cơ quan đầu tư và ngoại thương Bồ Đào Nha (AICEP) khẳng định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và TP. HCM là một thành phố rất năng động. (Ảnh: Nguyễn Bình) |
Ông Ricardo Arroja, Chủ tịch cơ quan đầu tư và ngoại thương Bồ Đào Nha (AICEP) cho biết, trong nhiều năm qua, AICEP đã khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh và công nghệ cao. Năm ngoái, Bồ Đào Nha xếp thứ 7 trong số các quốc gia châu Âu nhận nhiều dự án FDI nhất, 1/3 số dự án trên thuộc lĩnh vực phát triển phần mềm và công nghệ thông tin, cũng như dịch vụ doanh nghiệp.
Bồ Đào Nha đang chuyên môn hóa về năng lượng tái tạo. Hiện nay, 65% lượng điện sản xuất ở nước này đến từ năng lượng tái tạo và Madrid có mục tiêu sản xuất 80% điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2030. “Chúng tôi đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu và những thành tựu trên, điều này giúp Bồ Đào Nha trở thành quốc gia đi đầu về năng lượng xanh và công nghệ cao nói chung”, Chủ tịch AICEP khẳng định.
Nhận định về triển vọng hợp tác giữa AICEP và TP. HCM trong hoạt động xuất khẩu và tăng cường liên kết quốc tế, ông Ricardo Arroja cho rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và TP. HCM là một thành phố rất năng động. Thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng trưởng ở mức hai con số.
Trong các lĩnh vực mà TP. HCM muốn chuyên môn hóa trong những năm tới, các công ty Bồ Đào Nha có thể cung cấp công nghệ và kiến thức chuyên môn, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giúp phát triển các lĩnh vực trên, đặc biệt là thành phố thông minh, năng lượng xanh, cũng như một số sáng kiến khác liên quan đến phần mềm và kinh tế biển.
Ông Ricardo Valente, Phó Thị trưởng thành phố Porto phụ trách các vấn đề kinh tế (Bồ Đào Nha) nhấn mạnh tính bền vững trong tiến trình chuyển đổi công nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Bình) |
Trong khi đó, ông Ricardo Valente, Phó Thị trưởng thành phố Porto phụ trách các vấn đề kinh tế (Bồ Đào Nha) nhấn mạnh, Porto đang xây dựng một chiến lược chi tiết và phù hợp, với mục tiêu chính là tính bền vững. Để hiện thực hóa điều đó, thành phố đã thay đổi các quy định, chẳng hạn 100% đội xe buýt trong thành phố hoàn toàn không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Porto chỉ sử dụng xe buýt điện và xe buýt chạy bằng khí tự nhiên.
“Ngoài ra, Porto đặt mục tiêu tự chủ hoàn toàn về năng lượng. Vì vậy, chúng tôi đang xây dựng các cộng đồng năng lượng trong thành phố. Có nghĩa là trước hết chúng tôi tự sản xuất và tiêu thụ năng lượng, sau đó chúng tôi bán cho các khu vực lân cận trong thành phố. Đó là một mục tiêu quan trọng mà chúng tôi dự định đạt được vào năm 2030 về tiêu thụ năng lượng”, đại diện thành phố Porto chia sẻ.
Không chỉ vậy, trong tất cả hợp đồng đấu thầu công liên quan đến năng lượng, Porto đưa vào một điều khoản quy định rằng tất cả năng lượng phải là năng lượng tái tạo 100%. Thành phố thiết lập một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) nhằm giúp giải quyết biến đổi khí hậu. Hàng năm, Porto cấp vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ giúp thành phố giải quyết vấn đề môi trường.
Về mô hình hợp tác quốc tế giữa Porto và TP. HCM, ông Ricardo Valente nói: “Chúng tôi có một hiệp ước khí hậu giữa các thành phố, với khoảng 100 thành phố tham gia để học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi thiết lập các mục tiêu chung, mở rộng quy mô chia sẻ kinh nghiệm và tham gia thay đổi chính sách môi trường trên toàn cầu”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bo-da-o-nha-hien-ke-chuye-n-do-i-cong-nghiep-cho-tp-hcm-288726.html