Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói giá sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 thấp hơn so với các sách theo chương trình mới khác, bằng cách tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hôm 13/6 công bố giá sách giáo khoa mới của lớp 4, 8 và 11 ở hai bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”. Đây là hai trong ba bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, làm cơ sở để các trường học lựa chọn, giảng dạy từ năm học 2023-2024.
Theo đó, giá sách giáo khoa lớp 4 và lớp 8 cả bộ 14-15 cuốn dao động 250.000-300.000 đồng. Với sách lớp 11, giá khoảng 350.000-390.000 đồng, tính tương đối trên giá đơn lẻ của 16 cuốn, trong đó 9 cuốn thuộc các môn bắt buộc ở chương trình mới, 4 cuốn môn lựa chọn và 3 sách chuyên đề.
Nhìn chung, giá các bộ này cao gấp 2-3 lần so với sách giáo khoa theo chương trình cũ. Tuy nhiên thực tế, các địa phương, trường học thường không chọn tất cả đầu sách ở cùng một bộ mà mỗi bộ chọn một vài cuốn.
Ngày 15/6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết nếu so sánh đơn giá bình quân một trang sách (tổng giá bìa trên tổng số trang của bộ sách), giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 đã thấp hơn 4-6% so với sách mới của lớp 3, 7, 10 phát hành năm ngoái.
“Dù chi phí đầu vào như vật tư, công in không ngừng tăng, chúng tôi đã tiếp tục tiết giảm các chi phí để giảm giá bán sách mới năm nay, trong đó có tiết giảm lợi nhuận”, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói.
Ngoài ra, để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xuất bản sẽ dành kinh phí để tặng sách giáo khoa cho học sinh, thư viện trường học.
Tháng 7 năm ngoái, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố doanh thu năm 2021 đạt 1.828 tỷ đồng, 97% đến từ hoạt động phát hành sách. Lãi sau thuế đạt 287 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của đơn vị. Khi đó, đơn vị này cho hay đó là lợi nhuận từ nhiều nguồn, không riêng sách giáo khoa.
Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) từ năm học 2020-2021. Hiện, chương trình được áp dụng với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Tháng 9 năm nay, đến lượt khối 4, 8, 11 và đến năm 2025, tất cả khối lớp sẽ học theo chương trình mới. Lộ trình thay sách cuốn chiếu cũng được thực hiện song song với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, bỏ độc quyền xuất bản.
Giá sách giáo khoa chương trình mới cao gấp 2-3 lần sách cũ đã gây ra tranh luận suốt ba năm qua. Tuy nhiên, các nhà xuất bản khẳng định “giá sách được kê khai mới, không phải tăng giá”. Giá sách mới cao hơn sách cũ một phần bởi số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn, khổ sách lớn hơn, in bằng giấy dày, nhiều màu, hình ảnh đẹp hơn trước. Việc biên soạn, xuất bản được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, không dùng ngân sách nhà nước. Khi so sánh với giá sách ở nhiều nước, họ khẳng định giá sách giáo khoa Việt Nam rất rẻ.
Luật Giá và các văn bản hướng dẫn quy định giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp.
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 hồi tháng 6/2022, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.
Dương Tâm