Hà NộiKiều Hà Trang, nữ sinh lớp 11 trường chuyên Hà Nội – Amsterdam đạt 9.0 IELTS, học tiếng Anh một cách tự nhiên, chỉ luyện thi IELTS cách đây ba tháng.
Trang đạt điểm tuyệt đối 9.0 cho kỹ năng Nghe (Listening), Đọc (Reading) và Nói (Speaking) trong bài thi trên máy tính hồi đầu tháng 9. Riêng kỹ năng Viết, nữ sinh đạt 8.0.
“Nhìn thấy ba con số 9.0 ở cạnh nhau, em không thể tin được. Đến bây giờ thỉnh thoảng em vẫn chưa ngấm được việc mình đã đạt 9.0”, Trang nói.
Nữ sinh cho rằng khả năng tiếng Anh của mình đến từ tiếp xúc tự nhiên thay vì học một cách gò ép. Trừ khoảng thời gian phải ôn thi vào cấp ba, em hầu như không đi học thêm ở trung tâm. Trang thậm chí mới học ôn IELTS từ tháng 6 năm nay.
Trang chia sẻ, mẹ là người đầu tiên đưa em tới với tiếng Anh. Vì tin rằng ngôn ngữ này sẽ rất quan trọng trong tương lai, mẹ tự dạy em những từ vựng cơ bản từ khi mẫu giáo. Hàng ngày trước khi đi ngủ, Trang được mẹ cho xem những video học tiếng Anh trên Youtube. Em cũng bắt đầu thích xem các clip tiếng Anh từ đó.
Ngoài ra, Trang chăm đọc sách tiếng Anh. Em thường đọc sách của tác giả John Grisham, trong đó đề cập những vấn đề nóng trong xã hội như chủng tộc, màu da được tái hiện dưới hình thức các vụ xét xử. Trang thấy hình thức truyền tải này rất độc đáo và luôn tìm đọc các tác phẩm mới của ông.
Nữ sinh còn rất tích cực lướt mạng xã hội để xem các nội dung bằng tiếng Anh trên Twitter hay Tiktok. Em cũng hay chơi điện tử vào kỳ nghỉ hè và trò chuyện với nhiều người bạn nước ngoài.
Dần dần, Trang phát triển phản xạ tiếng Anh tốt và tích lũy nhiều từ vựng đa dạng, áp dụng tốt vào học tập và thi cử. Nữ sinh từng đạt giải nhất thi học sinh giỏi môn tiếng Anh toàn thành phố năm lớp 9, trước khi đỗ vào lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam hồi năm ngoái.
Tháng 6 năm nay, Trang theo học một lớp IELTS để lấy chứng chỉ sớm trước thềm năm học lớp 11.
“Em dồn sức học 4 buổi mỗi tuần, mỗi buổi ba tiếng, tập trung vào kỹ năng Viết và Nói”, Trang chia sẻ.
Theo Trang, thời gian này em mới làm quen với các dạng đề ở hai kỹ năng này. Trước đây, nữ sinh thường không biết cách xử lý câu hỏi của đề thi Nói, hay trình bày ngắn hơn yêu cầu. Trang đã học cách phân tích câu hỏi thành các ý nhỏ để phát triển ý tưởng.
Để làm tốt bài thi Nói, Trang tin rằng nên chọn những chủ thể thật quen thuộc hoặc có ý nghĩa quan trọng với mình thay vì bịa câu chuyện mới. Giám khảo có thể cảm nhận được đam mê của mình thông qua cách diễn đạt và có thể cho điểm cao hơn. Ngoài ra, chọn chủ đề gần gũi giúp thí sinh làm tốt Part 3 – phần thi đòi hỏi thí sinh có phản xạ nhanh trước các câu hỏi về kiến thức xã hội.
Áp dụng quy tắc trên, khi gặp phải câu hỏi “Mô tả trò chơi thời thơ ấu của bạn” trong bài thi Nói, Trang đã chọn nói về những trò em chơi cùng bạn thời tiểu học vì chúng gợi lên những ký ức đẹp. Phần trình bày tự nhiên và lưu loát theo Trang đã giúp em đạt điểm 9.0 ở kỹ năng này.
Kỹ năng mà Trang lo lắng nhất là Viết. Trang đã viết tới 400 từ cho bài thi Task 2, vượt yêu cầu về lượng từ khá nhiều. Em phải tìm cách rút gọn để bài súc tích hơn. Theo Trang, một cách dùng từ vựng hiệu quả cho phần thi Viết là phải chắc chắn ngữ cảnh của từ đó là gì. Trang thường quan sát bối cảnh mà cụm từ đó được dùng trong các văn bản tiếng Anh do người bản địa viết. Em cũng cho rằng, thay vì ôn luyện từ đề này qua đề khác, làm lại các bài đã viết là cách hay hơn để nâng cấp chất lượng.
Dù có nền tảng và khả năng sử dụng tiếng Anh tự nhiên từ cuộc sống, Trang không chểnh mảng với việc học trên trường. Quá trình rèn luyện thông qua các bài tập và cuộc thi đã giúp em xử lý bài thi Đọc và Nghe dễ dàng.
Cô Đặng Huyền Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 Anh 2, nhận xét Trang là học sinh nghiêm túc và bền bỉ.
“Em ấy sử dụng tiếng Anh gần như 100% trên lớp và rất chăm trau dồi kiến thức qua sách truyện. Em cũng cân bằng được cả việc học lẫn tham gia vào CLB Văn hóa Việt – Nhật và Nhạc Rock ở trường”, cô Trang nói.
Nhìn lại quá trình học tiếng Anh của mình, Trang thấy điều quan trọng nhất là hấp thụ được tiếng Anh thông qua sở thích hàng ngày. Cách này hiệu quả hơn học trong sách vở, vì ít có tính ép buộc và thoải mái hơn.
“Có thể sẽ mất thời gian hơn, nhưng học cách này sẽ giúp mình ngấm kiến thức lâu”, Trang nói.
Nữ sinh dự định tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để chuẩn bị hồ sơ du học. Em hy vọng được vào ngành Khoa học Môi trường tại Đại học Illinois ở Urbana-Champaign, Mỹ.
Khánh Linh