Hội nghị cấp cao các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước hợp tác Amazon (ACTO) khai mạc ngày 7/8 tại Brazil. Nhóm họp trong bối cảnh rừng Amazon đối mặt hàng loạt nguy cơ, hội nghị được kỳ vọng là cơ hội để các nước thành viên ACTO xây dựng chính sách chung đầu tiên nhằm đảo ngược tình trạng suy thoái tại khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh.
Mặc dù được xem là lá phổi xanh của trái đất song những năm gần đây, rừng Amazon liên tục bị tàn phá bởi nạn chặt cây, khai thác khoáng sản tràn lan, đốt rừng để làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc… Nhiều diện tích bị xóa sổ, đẩy một số loài động vật, thực vật quý hiếm vào nguy cơ tuyệt chủng.
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science, các nhà khoa học cho biết, rừng Amazon bị tàn phá nghiêm trọng hơn nhiều so những số liệu được thống kê trước đây. Theo đó, nạn phá rừng tại Brazil, quốc gia chiếm 60% diện tích Amazon, tăng vọt trong giai đoạn 2019-2022. Ngoài ra, số vụ cháy do hoạt động của con người và thời tiết khô hạn cũng là nguyên nhân khiến diện tích rừng ngày càng thu hẹp.
Hệ sinh thái thực vật đa dạng của rừng rậm Amazon.
Bộ trưởng Môi trường Colombia Susana Muhamad cho biết, để bảo tồn rừng Amazon, không thể để diện tích bị tàn phá vượt mức giới hạn 20%. Nhiều nhà khoa học cảnh báo, nếu điểm giới hạn nêu trên bị phá vỡ, tài sản quý giá này sẽ không thể phục hồi và có thể biến đổi thành đồng cỏ trong vài thập niên. Ðáng lo ngại, tỷ lệ phá rừng Amazon hiện đã lên tới 17%.
Giới chuyên gia khẳng định, thực trạng nêu trên không chỉ đặt ra thách thức đối với các nước trong khu vực, mà cả cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Với diện tích gần 7 triệu ki-lô-mét vuông, trải dài trên lãnh thổ 8 nước, rừng rậm nhiệt đới Amazon là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu thổ dân thuộc 500 bộ lạc khác nhau và là nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động vật, thực vật.
Theo kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment, Amazon hấp thu 26.000 tấn vật chất gây ô nhiễm không khí mỗi năm, đồng thời giúp tiết kiệm khoảng 2 tỷ USD mỗi năm chi phí chăm sóc sức khỏe để điều trị các bệnh liên quan đường hô hấp và tim mạch.
Ngoài ra, do hấp thu khối lượng lớn khí thải CO2 và cung cấp khoảng 20% lượng khí ô-xi trên Trái đất, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Ðặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cảnh báo, thế giới không thể đạt mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5oC nếu không bảo vệ Amazon. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Colombia nêu rõ, việc khu rừng này bị tàn phá đến mức không thể phục hồi sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trước lời kêu cứu khẩn thiết từ Amazon, Hội nghị cấp cao ACTO là cơ hội để các nước tạo nên bước ngoặt đảo ngược tình trạng suy thoái tại khu rừng nhiệt đới này. Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định, bảo tồn rừng và an ninh dọc khu vực biên giới giữa các nước là nội dung chính của hội nghị. Ngoài ra, các nước thành viên ACTO cũng đề ra dự án tái tạo khoảng 30 triệu héc-ta rừng.
Chi phí là một trong những bài toán khó trong nỗ lực tiếp thêm sức sống cho rừng Amazon. Nghiên cứu của Viện Tài nguyên Thế giới và Ủy ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu cho thấy, để bảo vệ và biến Amazon thành động lực tăng trưởng kinh tế bền vững, Brazil cần đầu tư khoảng 533 tỷ USD từ nay đến năm 2050.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Colombia cho rằng, Hội nghị cấp cao ACTO là cơ hội để phát huy chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề liên quan Amazon, bởi sự tồn vong của rừng ảnh hưởng lớn đến chương trình nghị sự khí hậu toàn cầu. Trên thực tế, việc bảo tồn rừng nhận được sự quan tâm của nhiều cường quốc trên thế giới. Từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm 2023, Chính phủ Tổng thống Brazil Lula da Silva đã hồi sinh Quỹ Bảo vệ rừng Amazon và tiếp tục vận động các nhà lãnh đạo thế giới đóng góp vào nỗ lực cứu rừng. Quỹ đã nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các nước Anh, Pháp, Ðức.
Theo Chính phủ Brazil, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong 7 tháng năm 2023, diện tích rừng nhiệt đới Amazon bị chặt phá tại nước này đã giảm khoảng 43% so mức cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh, hành trình giải cứu Amazon còn dài và nhiều chông gai, đòi hỏi sự chung tay, góp sức không chỉ của các nước trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế.
Theo Báo Nhân Dân