Đồng ThápNhững ngày cận Tết, vườn quýt hồng Ba Liên của anh Phan Văn Sang ở huyện Lai Vung vẫn tấp nập đón hàng trăm khách tham quan, chụp ảnh.
Cùng thời điểm này, nhiều nhà vườn khác trong huyện vẫn đang chạy đôn chạy đáo tìm thương lái để tiêu thụ quýt.
Ba năm trước, anh Sang có ý tưởng phát triển vườn quýt hồng của gia đình thành điểm du lịch sinh thái sau khi nhận thấy những vườn trái cây sai trĩu quả, vàng óng đẹp mắt mỗi dịp Tết sẽ trở thành điểm “check-in” lý tưởng. Anh bàn bạc với gia đình rồi triển khai thử nghiệm trên khu vườn rộng 3,3 hecta.
Sau khi được đầu tư xây dựng hạ tầng, lối đi trong vườn và các tiểu cảnh như ao súng, cầu khỉ, giàn bầu hồ lô… điểm vườn quýt hồng Ba Liên chính thức mở cửa đón khách từ Tết 2022.
Từ vài khách lẻ ban đầu, thông qua truyền thông, mạng xã hội, cộng thêm phản hồi tốt của du khách nên trong những năm sau, lượng khách đông dần trong đó có cả những đoàn khách lớn từ TP HCM, Cần Thơ, Hà Nội.
Đến nay, vườn quýt hồng Ba Liên đón trung bình 350 khách mỗi cuối tuần, khoảng 100 khách vào ngày thường. Vườn bắt đầu đón khách từ tháng 12 dương lịch đến khoảng 29 Tết đóng cửa cho thương lái vào hái quýt.
Hiện nguồn thu chính của anh Sang đến từ việc bán vé tham quan (50.000 đồng một người) kết hợp bán trái cây cho khách lẻ. “Tôi dành riêng 4 công (4.000 m2) bán cho khách đến tham quan”, Sang cho biết. “Đầu vụ, ước tính sản lượng khoảng 16 tấn, hiện khách đã mua hơn 6 tấn”.
Do là điểm tham quan nên Sang ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ trong quá trình chăm sóc, đồng thời đảm bảo đủ thời gian cách ly thuốc trước khi bắt đầu đón khách.
“Quýt hồng trồng theo hướng hữu cơ ngon, ngọt và lên màu bắt mắt hơn”, Sang nói. “Nâng cao chất lượng cây trái phục vụ du khách, bản thân mình cũng hưởng lợi”.
Anh Sang cho biết trước đây nông dân trồng quýt hồng tại huyện Lai Vung chỉ bán cho thương lái nên không tránh khỏi tình trạng bị ép giá mỗi dịp thu hoạch. Thêm vào đó, chi phí phân thuốc tăng cao, dịch bệnh hoành hành khiến nhiều nhà vườn lao đao. Chọn hướng phát triển du lịch sinh thái, kết hợp bày bán sản phẩm địa phương, phục vụ ăn uống, vườn quýt của gia đình anh cho thu nhập tốt hơn trước.
“Hiện tôi vừa chuyển đổi 15.000 m2 diện tích cam sành, quýt đường kém hiệu quả sang quýt hồng”, Sang chia sẻ.
Những ngày này, điểm “check-in” Thạch Thảo Glamping tại TP Sa Đéc của anh Trương Lê Huy Hoàng, 36 tuổi, cũng đang thu hút hàng trăm lượt khách tham quan cuối tuần.
Trên diện tích 10.000 m2, anh Hoàng trồng hơn 120.000 gốc hoa thạch thảo. Giống hoa được anh trực tiếp lấy từ Đà Lạt để đảm bảo nguồn giống chuẩn, sạch bệnh. “Hoa trồng 3,5 tháng là nở. Thạch thảo bền màu, có thể nở đến 1,5 tháng mới tàn”, anh Hoàng chia sẻ.
Ngoài bán vé cho du khách tham quan (giá vé 30.000 đồng một người), anh Hoàng còn bán hoa chậu, hoa cắt cành, vòng hoa cho khách có nhu cầu. Điểm tham quan đem lại thu nhập tốt cho anh Hoàng những ngày cận Tết khi nhiều du khách đổ về “thủ phủ hoa kiểng miền Tây” tham quan.
“Trồng hoa theo kiểu truyền thống, nhà vườn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Còn biết kết hợp trồng hoa với làm du lịch sẽ góp phần tăng nguồn thu cho chủ vườn, tránh tình trạng bị o ép giá”, anh Hoàng chia sẻ.
Sau Tết Giáp Thìn, anh sẽ mở thêm dịch vụ cắm trại, homestay kết hợp du lịch chữa lành cho du khách có nhu cầu. “Trồng hoa kết hợp làm du lịch sẽ giảm rủi ro trong tiêu thụ hoa, kiểng”, Hoàng kết luận. “Sắp tới, nếu đạt kết quả khả quan, tôi sẽ điều chỉnh để thạch thảo ra luân phiên trên cánh đồng để có thể phục vụ du khách quanh năm”.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, chủ tịch huyện Lai Vung cho biết địa phương hiện có 10 vườn quýt hồng chuyển đổi thành điểm phục vụ khách tham quan.
Thời gian qua các cơ quan chức năng huyện khuyến khích mô hình nông dân làm du lịch, kết hợp giữa tham quan vườn cây ăn trái và trải nghiệm các giá trị văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống góp phần tăng lợi nhuận cho nhà vườn.
“Năm nay lượng du khách tham quan vườn quýt hồng tăng khoảng 50.000 người, chứng tỏ việc phát triển du lịch vườn, sinh thái kết hợp giá trị văn hóa truyền thống đang đi đúng hướng”, ông Nghĩa nói.
Trọng Nhân