Hà NộiNhận kết quả vô sinh do không có tinh trùng, anh Dũng sốc, đòi vợ đưa con đầu đi xét nghiệm ADN ngay.
BS.CKI Cao Tuấn Anh, Trung tâm hỗ trợ Sinh Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh), hôm 28/12 chia sẻ phản ứng khó quên của bệnh nhân này ngay khi nhận tin vô sinh. Con gái đầu 5 tuổi, vợ chồng anh Dũng định sinh thêm con nhưng hai năm không có kết quả nên đi khám sức khỏe sinh sản. Anh được chẩn đoán vô sinh thứ phát, tức vô sinh sau khi đã có con.
“Tôi không tin mình bị vô sinh, vậy con gái tôi là con ai?”, anh phản ứng khi nhận kết quả, bác sĩ Tuấn Anh kể, thêm rằng bệnh nhân lập tức khăng khăng đòi vợ đưa con đi xét nghiệm ADN.
“Anh Dũng mắc quai bị ba năm trước khiến tinh hoàn xơ và teo nhỏ dần nên không có tinh trùng, dẫn đến vô sinh”, bác sĩ Tuấn Anh giải thích.
Bệnh nhân sau đó được vi phẫu tìm tinh trùng micro-TESE, thụ tinh ống nghiệm (IVF) thành công, sinh con trai. Anh Dũng thú nhận trong quá trình điều trị vô sinh vẫn bán tín bán nghi, lén lấy tóc của con gái mang đi xét nghiệm ADN, xác nhận con chính là máu mủ của mình.
Một bệnh nhân khác tên Khang đến gặp bác sĩ Tuấn Anh một mình, mặt bịt kín khẩu trang “vì sợ gặp người quen”. Kết quả khám ghi nhận hai tinh hoàn của bệnh nhân teo nhỏ chỉ bằng hạt lạc, trọng lượng chỉ 2,8 g (tinh hoàn <3 g thì tỷ lệ thu được tinh trùng rất thấp). Anh Khang đã điều trị nội khoa ở nhiều nơi không khỏi, tính mổ micro-TESE lấy tinh trùng.
“Nhưng tôi nhổ răng cũng sợ, nhìn thấy máu là ngất, vậy mổ tinh hoàn có đau không, có được gây mê không?”, anh hỏi.
Bác sĩ Tuấn Anh trấn an rằng vi phẫu micro-TESE có gây tê tủy sống nên không đau đớn, chỉ mất 1,5-2 tiếng, xuất viện sau 24 giờ. 80-90% nam giới vô sinh do quai bị thu được tinh trùng nhờ phương pháp này. Bệnh nhân đồng ý tiến hành thủ thuật.
Trường hợp khác, anh Đăng, 38 tuổi, là “độc đinh” trong gia đình, kết hôn ba năm chưa có con. Ngày nào cũng bị nhiều người hỏi lý do sao chưa đi khám chữa vô sinh, anh vô cùng căng thẳng nhưng sợ “mất mặt” nên xin vợ không tiết lộ nguyên nhân do mình. Vợ phải hứng chịu tiếng “gái độc không con”. Anh nấn ná thêm hai năm trước khi đến IVF Tâm Anh khám.
“Anh Đăng có chất lượng tinh trùng kém, nhưng còn 1% tinh binh di động nên vẫn có thể có con”, bác sĩ Tuấn Anh nói.
Bệnh nhân được chỉ định gom và trữ tinh trùng số lượng ít để IVF. Tháng 10/2023, gia đình anh đón thành viên mới sau 5 năm mong con. “Năm nay tôi mới thực sự có Tết”, ông bố cho biết.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, nam giới thường được coi là phái mạnh, nhưng khi khám vô sinh thường trở nên rụt rè hoặc trầm lặng. Khi nhận kết quả mắc các bệnh lý gây vô sinh như giãn tĩnh mạch thừng tinh, xuất tinh ngược dòng, tinh hoàn ẩn, vô tinh, nhiễm trùng… họ đôi khi mất bình tĩnh.
“Đàn ông không khóc ngay lập tức như phụ nữ, nhưng giọng nói và sắc mặt biến đổi cùng những biểu hiện bất thường bác sĩ phải rất tinh ý mới nhận ra”, bác sĩ Tuấn Anh nói.
Đàn ông cũng đối diện nhiều nỗi sợ khi khám vô sinh hiếm muộn như sợ đau, sợ mất mặt, sợ không có con của chính mình. “Vì vậy, hãy cho đàn ông được quyền yếu đuối và sự cảm thông”, bác sĩ Tuấn Anh nói thêm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới. Số liệu của Bộ Y tế cho biết mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Tỷ lệ vô sinh do vợ chiếm 40%, tương đương chồng, 10% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân. Đáng chú ý, tỷ lệ vô sinh ở nam giới hầu hết liên quan đến chất lượng tinh trùng.
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết các phương pháp trích tinh trùng từ mào tinh (PESA) và vi phẫu thuật tinh hoàn tìm tinh trùng (micro-TESE), kết hợp kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) có thể giúp bệnh nhân vô tinh không do tắc nghẽn có con, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo nam giới nên chủ động đi khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân hoặc sau 6 tháng đến một năm kết hôn mà không có con để sớm xác định nguyên nhân, điều trị dễ dàng, hiệu quả, tránh nguy cơ xin tinh trùng.
Năm 2022, IVF Tâm Anh ghi nhận tỷ lệ tìm thấy tinh trùng ở bệnh nhân sử dụng phương pháp PESA đạt hơn 90%. Tỷ lệ này với phương pháp micro-TESE là khoảng 42%. Riêng với nhóm bệnh nhân vô tinh do biến chứng quai bị, tỷ lệ tìm thấy tinh trùng sau micro-TESE đạt 100%. Tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công trung bình đạt 68,5%. Với vợ chồng trong độ tuổi 28-35 tuổi, tỷ lệ này đạt tới 74,4%.
Thanh Ba
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |