Và mỗi năm, lại thêm con số, nối dài thêm hàng mộ… Có bao câu chuyện lịch sử riêng của từng liệt sĩ ấy, chưa ai biết, ngay cả những người mẹ khiến ai một lần nhìn bia mộ cũng dâng lên niềm thương cảm.
Những câu chuyện lịch sử riêng
Người lính già ngồi lặng im nhìn mấy đứa trẻ chạy chơi quanh các phần mộ liệt sĩ. Thật lạ, chúng không nghịch hàng hoa trang đỏ rực trên lối đi vào, không nhặt hoa sứ rơi trắng vài nơi, không tò mò mấy vạt sen đang nở bung cánh… trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh mà lại quấn quýt bên các mộ phần. Có vẻ chúng đã rất thân quen với nơi này, không e dè như thường thấy khi người ta đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. “Liệt sĩ… cháu gọi là ông, bởi là em của ông nội đang ngồi kia”- một cô bé nói. Ông nội của bé là người lính già ấy, trạc gần tuổi 75, ngồi đối diện với phần mộ của người em nãy giờ đăm chiêu như chìm vào ký ức một thời bom rơi đạn lạc. Bao nhân chứng của những năm tháng ấy đang nằm đây. Được xếp hàng ngay ngắn theo vòng cung hướng về Tượng đài Tổ quốc ghi công ở trung tâm của nghĩa trang. Trầm mặc. Trang nghiêm từng phút một. Nhưng không âm u. Không gian thanh bình, mát sau cơn mưa xối xả chiều qua. Lâu lâu có tiếng chim hót véo von. Tiếng người lao xao vọng lại. Trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh rộng 10 ha này, ngày hôm nay đã đông người hơn mọi ngày đến thăm viếng, khi ngày mai là Ngày Thương binh – Liệt sĩ… Với người mặc áo lính đã phai màu như ông lại ngồi trong khung cảnh này khiến nỗi mất mát riêng lẫn chung cứ dâng lên trong ánh mắt.
“Tôi là Nguyễn Tiến Mạnh. Cựu chiến binh. Đã rời Hà Nam vào Bình Dương sinh sống nhiều năm nay. Cả gia đình 3 thế hệ mới ra Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh vào sáng nay để viếng thăm em trai!”. Đã mấy chục năm trôi qua, bây giờ kể về em mình, ông vẫn cảm thấy như mới ngày nào thôi. Mấy lần, ông lặng im, ngấn lệ. Và đến phiên tôi cũng thương cảm, khi nghe người em của ông lúc nằm xuống tại mảnh đất Hòa Đa (huyện Bắc Bình bây giờ) chỉ vừa chớm sang tuổi 19. Cái tuổi mà thời cuộc lúc đó còn chưa biết yêu… “Ừ, học xong lớp 10, theo tiếng gọi non sông, em tự nguyện vào chiến trường miền Nam. Đó là năm 1967. Sang năm 1969 thì hy sinh… Còn tôi lúc ấy đang ở C2, Trung đoàn 46…”. Im lặng. Nét mặt của ông như nói lên nỗi lòng của người anh luôn đau nặng niềm thương nhớ đứa em trai. Thế nên, cũng hiểu hơn câu chuyện sau giải phóng, ông theo giấy báo tử lần đi tìm em. Cuối cùng biết em trai đã được chính quyền Bình Thuận đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Từ đó, năm nào gia đình ông cũng sắp xếp đến Bình Thuận, khi thì đi dịp 27/7, khi thì đi cả 2 dịp 30/4, 27/7 như năm nay, vì có cao tốc thuận tiện…
Cách đó không xa, những gia đình khác cũng thăm viếng người thân như gia đình ông Mạnh. Mỗi gia đình chắc chắn có một câu chuyện lịch sử riêng về người đã nằm xuống, người mà thuở sinh thời với tuổi xuân phơi phới đã theo tiếng gọi con tim, đã dấn thân, đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của Tổ quốc. Nhưng hình như vẫn chưa đủ, khi ở tất cả các dãy mộ phần liệt sĩ, vẫn còn rất nhiều bia ghi “Liệt sĩ chưa biết tên”. Và mỗi năm, lại thêm con số, nối dài thêm hàng mộ… Có bao câu chuyện lịch sử riêng của từng liệt sĩ ấy, chưa có ai biết, ngay cả những người mẹ khiến ai một lần nhìn bia mộ cũng dâng lên niềm thương cảm. Và tự bao giờ, sự nối vòng tay lớn từ các sở ban ngành, địa phương và cả cộng đồng trong quan tâm, chăm sóc chu đáo đến từng phần mộ ở đây đã diễn ra hàng năm, nhất là dịp 27/7 này rộn ràng hơn bao giờ hết như viết tiếp câu chuyện lịch sử chung vùng Bình Thuận.
Xanh, sạch, đẹp
Những ngày của dịp 27/7 này, bãi giữ xe của Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh luôn nhiều xe máy lẫn ô tô, không chỉ biển số tại Bình Thuận mà còn có biển số ở các tỉnh, thành khác. Bất chấp bão số 2 gây mưa về chiều nhưng tạnh ráo, nắng lên về buổi sáng, thân nhân liệt sĩ từ các nơi trong tỉnh, từ các tỉnh phía Bắc vào và cả các tỉnh phía Nam ra đến đây viếng thăm. Cảnh ấy khiến lớp sinh sau giải phóng như tôi có thể hình dung những năm đó, chiến trường Bình Thuận khốc liệt thế nào. Vùng đất cuối cực Nam Trung bộ, cửa ngõ vùng Đông Nam bộ và cả Tây Nguyên này, vốn như một mắt xích quan trọng trong các chiến dịch đấu tranh cách mạng suốt 30 năm kháng chiến. Trong Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Bình Thuận 1945 – 2000 có ghi nhận: “Hàng trăm cán bộ chiến sĩ trong Chi đội 1 giải phóng quân và các phân đội từ Nam bộ kéo ra là lực lượng rất quan trọng trong những ngày đầu chống Pháp tại Bình Thuận. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ là con em của các tỉnh miền Bắc đã theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ “xẻ dọc Trường Sơn” vào đây với Bình Thuận”.
Nhờ vậy, có ngày hòa bình cho xây dựng phát triển hôm nay. Cuốn lịch sử cũng có đoạn: “Dân Bình Thuận và các thế hệ con cháu nối tiếp nhau mãi mãi biết ơn đồng bào miền Bắc cùng những người con khắp mọi miền Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, đã đổ máu và hy sinh trên quê hương này”. Tưởng nhớ điều đó, 3 năm sau ngày giải phóng, Bình Thuận đã bắt tay xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh tại xã Hồng Sơn, Hàm Thuận Bắc. Đến năm 1983 mới cơ bản hoàn thành và hài cốt liệt sĩ các nơi trong tỉnh được quy tập về. Đến nay, báo cáo của Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cho thấy hiện đang quản lý 8.927 mộ, trong đó, mộ tập thể 9 mộ và mộ đơn 8.918 mộ; mộ có đầy đủ thông tin 4.016; mộ thiếu một phần thông tin 1.530, mộ chưa có thông tin 3.381 mộ. Đó là chưa tính đến phần mộ còn ở 2 nghĩa trang liệt sĩ thuộc Đức Linh, Tánh Linh. Thông tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện còn gần 3.000 liệt sĩ nữa đang nằm đâu đó tại các vùng miền trên địa bàn tỉnh đang trong hành trình được tìm kiếm để quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
“Ngoài kinh phí từ ngân sách tỉnh cho xây dựng, tu bổ hàng năm; cộng đồng cũng chung tay xây dựng cảnh quan nghĩa trang thêm khang trang, xanh – sạch – đẹp. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thân nhân liệt sĩ đã thực hiện trồng cây xanh, cây ăn quả, ủng hộ ghế đá, các vật dụng phục vụ cho công tác chăm sóc mộ liệt sĩ. Đặc biệt là xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm tiền điện…” – ông Phạm Ngọc Minh, người đã gắn bó hơn 20 năm với Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh nói như gửi lời cảm ơn. Ông Minh nói tiếp rằng, với khuôn viên rộng, việc chăm sóc vườn hoa cây cảnh, mộ liệt sĩ, ngoài nhân viên của ban quản lý thực hiện thường xuyên; các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương vào các dịp quan trọng cũng hỗ trợ giúp sức. Nhờ vậy, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh có cảnh quan xanh, sạch và đẹp đúng nghĩa và luôn nhận được nhiều lời khen từ lãnh đạo cũng như các tổ chức và cá nhân đến thăm viếng.
Thế nên, năm ngoái, dù ảnh hưởng dịch Covid- 19, nghĩa trang vẫn đón hơn 15.000 lượt thân nhân trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm. 6 tháng đầu năm nay, nhờ nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó có sự xuất hiện của các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh nên đã tiếp đón hơn 10.000 lượt thân nhân. Chưa tính gia đình ông Mạnh và nhiều thân nhân liệt sĩ khác đến viếng dịp 27/7 này nhưng ngành du lịch tỉnh có tính trong lượng khách. Vì lịch trình của gia đình ông Mạnh là sau khi đi thăm viếng liệt sĩ sẽ đi Mũi Né chơi. Các thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh, thành khác mà tôi gặp hôm ấy cũng thế, khi mỗi lần đi là cả gia đình. Vì bây giờ việc đi lại Bình Thuận đã rất gần. Vì nghĩa trang liệt sĩ khang trang sạch đẹp đến vậy và nhất là các liệt sĩ yên nghỉ nơi nghĩa trang đã được Đảng, chính quyền và nhân dân Bình Thuận tận tình, chăm sóc chu đáo nên tin tưởng, yên tâm…
BÍCH NGHỊ – ẢNH N. LÂN