TikTok gửi đơn đề nghị khẩn cấp lên Tòa án tối cao Mỹ để xin lệnh tạm dừng thực thi đạo luật có thể khiến ứng dụng này bị cấm hoạt động tại Mỹ.
Nỗ lực trước giờ G
TikTok đã nộp đơn khẩn cấp lên Tòa án tối cao Mỹ hy vọng ngăn chặn một đạo luật buộc ByteDance – công ty mẹ của TikTok – phải thoái vốn khỏi ứng dụng video ngắn này trước ngày 19/1 hoặc đối mặt với lệnh cấm tại nước này.
TikTok và ByteDance đã đề nghị Tòa án tối cao ban hành lệnh tạm thời nhằm ngăn chặn việc thực thi lệnh cấm, trong khi chờ phán quyết của tòa án cấp cao hơn về việc liệu đạo luật này có vi phạm Hiến pháp Mỹ hay không.
TikTok đang đứng trước nguy cơ chịu lệnh cấm toàn quốc tại Mỹ. Ảnh: Reuters |
Song song đó, một nhóm người dùng TikTok tại Mỹ cũng nộp đơn yêu cầu tương tự để bảo vệ quyền tiếp tục sử dụng nền tảng mà hiện có khoảng 170 triệu người dùng tại nước này.
Trước đó, hồi tháng 4/2024, Đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm đối phó với những lo ngại về an ninh quốc gia. Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng, TikTok có thể sử dụng dữ liệu cá nhân của người Mỹ, từ thông tin vị trí đến tin nhắn riêng tư hoặc bí mật thao túng nội dung người dùng tại Mỹ xem trên ứng dụng này.
Ngày 6/12, Tòa phúc thẩm tại Washington, D.C. bác bỏ các lập luận của TikTok và khẳng định, đạo luật không vi phạm Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ về quyền tự do ngôn luận.
Trong đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao, TikTok và ByteDance nhấn mạnh: “Nếu người dân Mỹ sau khi được thông báo đầy đủ về các rủi ro liên quan đến việc “thao túng nội dung”, vẫn chọn tiếp tục sử dụng TikTok, Hiến pháp trao cho họ quyền tự do đưa ra quyết định đó, không chịu sự kiểm duyệt của chính phủ”.
Họ cũng cảnh báo rằng, nếu bị đóng cửa chỉ trong một tháng, TikTok có thể mất tới 1/3 lượng người dùng tại Mỹ, đồng thời làm suy giảm nghiêm trọng khả năng thu hút nhà quảng cáo, người sáng tạo nội dung.
TikTok lập luận rằng, việc trì hoãn thực thi đạo luật sẽ cho phép Tòa án tối cao xem xét tính hợp pháp của lệnh cấm, đồng thời tạo cơ hội cho chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump đánh giá lại.
Điều đáng chú ý là ông Donald Trump từng thất bại trong nỗ lực cấm TikTok năm 2020. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông tuyên bố sẽ cứu TikTok. Ngày nhậm chức của ông Trump vào 20/1 – một ngày sau thời hạn TikTok phải tuân thủ lệnh thoái vốn.
“Việc đóng cửa một nền tảng được ưa chuộng bởi hơn một nửa dân số Mỹ ngay trước lễ nhậm chức tổng thống là điều chưa từng có”, TikTok tuyên bố trong hồ sơ gửi Tòa án.
Tại cuộc họp báo hôm thứ hai vừa qua, khi được hỏi về kế hoạch ngăn chặn lệnh cấm TikTok, ông Trump cho biết, ông “rất có thiện cảm với TikTok” và sẽ xem xét vấn đề.
Một nguồn tin tiết lộ, ông Trump đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew tại Florida vào ngày hôm đó.
TikTok bác bỏ cáo buộc an ninh quốc gia
Đạo luật được thiết kế để cấm các ứng dụng bị kiểm soát bởi “đối thủ nước ngoài”, không chỉ TikTok mà còn các ứng dụng tương tự trong tương lai. Lệnh cấm sẽ ngăn các dịch vụ như App Store của Apple hoặc Google Play của Alphabet cung cấp TikTok tại Mỹ, trừ khi ByteDance thoái vốn.
TikTok khẳng định, chưa bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với Chính phủ Trung Quốc và cáo buộc Quốc hội Mỹ đưa ra những lo ngại “mang tính suy đoán”.
Ông Michael Hughes – Phát ngôn viên của TikTok nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Tòa án áp dụng quy chuẩn nghiêm ngặt nhất trong các vụ án liên quan đến tự do ngôn luận và kết luận rằng lệnh cấm này vi phạm Tu chính án thứ nhất”.
Ngược lại, trong phán quyết của mình, Tòa phúc thẩm Washington lập luận rằng: “Tu chính án thứ nhất bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Mỹ. Chính phủ hành động để bảo vệ quyền tự do đó khỏi sự ảnh hưởng của một quốc gia đối thủ và hạn chế khả năng thu thập dữ liệu của họ đối với công dân Mỹ”.
Trong khi TikTok tiếp tục bác bỏ các cáo buộc, các chuyên gia lại có những quan điểm trái chiều về vụ việc này. Giáo sư Jessica Melugin – chuyên gia về chính sách công nghệ tại Viện Cato – cho rằng: “Vụ việc TikTok không chỉ là câu chuyện về tự do ngôn luận mà còn là minh chứng cho mối quan hệ căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế”.
Bà cũng cảnh báo rằng, nếu lệnh cấm TikTok được thực thi, nó có thể mở đường cho các biện pháp khắt khe hơn đối với các ứng dụng nước ngoài khác, gây thêm căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung.
Mặt khác, ông James Lewis – Giám đốc chương trình công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Những lo ngại về TikTok không chỉ nằm ở dữ liệu, mà còn ở khả năng ảnh hưởng đến dư luận và tính toàn vẹn của thông tin”.
TikTok tự nhận mình là một trong những nền tảng truyền thông quan trọng nhất tại Mỹ, đang đối mặt với thách thức sống còn. Nếu lệnh cấm có hiệu lực, ByteDance sẽ phải đóng cửa hoạt động tại thị trường lớn thứ hai thế giới của TikTok, gây tổn thất nặng nề cho doanh thu toàn cầu của công ty.
Kết quả của cuộc chiến pháp lý này không chỉ quyết định tương lai của TikTok tại Mỹ mà còn đặt ra tiền lệ cho cách thức các quốc gia đối xử với các nền tảng công nghệ nước ngoài.
Nguồn: https://congthuong.vn/no-luc-cuoi-cung-cua-tiktok-de-ngan-lenh-cam-tai-my-364722.html