Quảng NamCơ chế phối hợp giữa kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam đưa vào thực hiện nhằm nỗ lực tìm kiếm và bảo vệ sao la.
Nằm giữa vùng lõi đặc dụng Khu bảo tồn loài sao la Quảng Nam, Trạm kiểm lâm A – Tép là điểm dừng chân của nhiều nhà khoa học quốc tế đến nghiên cứu và truy tìm dấu vết loài thú móng guốc quý hiếm.
Xem rừng như nhà, ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn cho biết, nơi đây có hệ sinh thái rừng nhiệt đới với nhiều sinh vật cảnh độc đáo và vô vàn loài động thực vật quý hiếm với mức độ ưu tiên toàn cầu cần được bảo vệ. “Mục tiêu và nhiệm vụ của chúng tôi là bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học tại nơi có thể gọi là ngôi nhà lớn nhất của sao la cần được ưu tiên bảo tồn ở Việt Nam”, ông Sơn nói.
Quản lý và bảo vệ những cánh rừng hơn 15.000 ha trải dài trên hai huyện Đông Giang và Tây Giang là một nhiệm vụ đầy thách thức. Khu bảo tồn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, như tình trạng săn bẫy bắt thú, xâm lấn đất rừng làm nương rẫy đến khai thác gỗ, lâm sản và cháy rừng. “Việc tuần tra của chúng tôi vì thế gặp nhiều khó khăn, vì địa hình chia cắt, thời tiết khắc nghiệt, đa số các khu vực tuần tra anh em phải đi bộ nhiều ngày, ăn ngủ tại rừng”, ông Sơn chia sẻ thêm.
Trong bối cảnh đó, hai lực lượng bảo vệ rừng chủ chốt là kiểm lâm và bảo vệ rừng địa phương đã đảm nhiệm những công việc độc lập. Lực lượng kiểm lâm chịu trách nhiệm về pháp luật và phòng cháy rừng; lực lượng bảo vệ rừng tuần tra và tháo dỡ các loại bẫy, ngăn chặn các vi phạm trong rừng.
Ngoài ra, hỗ trợ từ Hợp phần Bảo tồn đa dạng Sinh học đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng. Nhờ các chương trình đào tạo tăng cường, nhân viên đang làm việc trong khu bảo tồn sao la được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để đối phó với các vấn đề liên quan đến bảo tồn và quản lý sao la.
Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học – ông Nick Cox cho biết, các lực lượng chức năng và đội tuần tra dựa vào cộng đồng đều đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ rừng. Việc chung tay, phối hợp dựa trên cơ chế rõ ràng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, góp phần nâng cao giá trị đa dạng sinh học.
“Chúng tôi tin rằng tái hoang dã là chiến lược khả thi duy nhất để khôi phục các quần thể động vật hoang dã nên có ở Việt Nam. Nếu chúng ta thực hiện tái hoang dã cách đây 20 hoặc 25 năm, chúng ta có thể đã có thể cứu sao la khỏi nguy cơ tuyệt chủng”, ông Nick Cox nhận định.
Công nghệ SMART cũng được triển khai trong quá trình tuần tra để nắm bắt và phản ứng nhanh đối với các hoạt động săn bắt trái phép và phá hủy môi trường. Hệ thống SMART cung cấp công cụ để giám sát, thu thập và phân tích dữ liệu về các mối đe dọa sao la và môi trường sống của chúng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng camera trap (máy chụp hình tự động) đã cho thấy vai trò trong việc giám sát sao la và thu thập thông tin về hành vi và phân bố của chúng. Công cụ này cho phép ghi lại hình ảnh và video của sao la trong hoạt động tự nhiên, cung cấp thông tin về hành vi, sinh thái học và phân bố. Những dữ liệu này để hiểu sâu hơn về nhu cầu sống, môi trường sống và quan hệ với các loài khác của sao la, từ đó đưa ra các biện pháp bảo tồn hiệu quả hơn.
Mặt khác, nỗ lực bảo tồn loài vật quý hiếm này cũng đối mặt với một số thách thức. Sự mất môi trường sống, săn bắt trái phép và buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã vẫn tiếp tục tồn tại. Do đó, việc tăng cường quản lý rừng, cải thiện công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng vẫn là những ưu tiên quan trọng trong tương lai.
Thế Đan
Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), do cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, được tổ chức WWF-Việt Nam thực hiện từ năm 2020-2025 trên 14 khu rừng đặc dụng và 7 khu rừng phòng hộ tại Việt Nam.
Tại Quảng Nam, dự án VFBC được triển khai tại vườn quốc gia Sông Thanh, khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, rừng phòng hộ Đông Giang, Tây Giang, khu bảo tồn loài và sinh cảnh sao la.
Từ năm 2016, ngày 9/7 hàng năm được chọn là Ngày quốc tế Sao la. WWF-Việt Nam cũng đã chọn ngày này để phát động dự án “Cứu sao la – đứa em cùng đất mẹ” năm 2016, một chiến dịch cộng đồng giúp nâng cao nhận thức và sự tham gia sâu rộng của xã hội nhằm bảo tồn loài động vật quý hiếm này.