23h30, kết thúc buổi cà phê với bạn, Huy Hậu chạy xe đến phòng gym ở quận Gò Vấp để bắt đầu buổi tập hai tiếng như thói quen bốn tháng qua.
Chàng trai 28 tuổi đeo tai nghe và chạy bộ khởi động trong khi khoảng mười người khác đang miệt mài luyện tập. Quá nửa đêm, khi người đẫm mồ hôi, Hậu mới trở về nhà cách đó 10 km.
“Tập khuya nên phòng vắng không phải chờ máy tập, không gian yên tĩnh”, Hậu nói. “Tôi cũng không thích trò chuyện với người lạ dễ mất tập trung”.
Chàng trai làm trong ngành truyền thông nên có lịch trình thất thường, khó sắp xếp các buổi tập vào ban ngày. Từ 18-21h, Hậu thường dành cho bạn bè và gia đình, sau đó mới đến thời gian cho chính mình. Từ khi tìm được một phòng tập mở cửa 24/24h ở Gò Vấp, những buổi gym khuya khiến anh không thấy áy náy với bản thân vì đã bỏ lỡ buổi tập.
Phạm Thành Lương, 32 tuổi, là khách quen của phòng tập ở quận 10, với khung giờ từ 22h đến 1h sáng. Lương làm ngành kỹ thuật ôtô, ca làm việc dài 8 tiếng mỗi ngày nhưng không cố định khung giờ, thường có việc đột xuất.
Anh nói mình “nghiện” cảm giác tập luyện sau 7 năm theo đuổi môn thể hình (gym). Trước đó, Lương không sắp xếp được giờ tập ban ngày nên thường đến công viên cùng các nhóm street workout (tập luyện đường phố) vào buổi đêm. Nửa năm nay, anh tham gia vào phòng tập có dịch vụ 24/7.
“Tôi cảm thấy dễ chịu với khung thời gian linh động”, Lương nói. “Có hôm đi làm về lúc 1h sáng, không tập được nên rất trằn trọc”.
Khảo sát nhanh của VnExpress, TP HCM hiện có khoảng 15 phòng gym hoạt động 24/24 tập trung ở các quận 3, quận 10, Gò Vấp và Bình Thạnh.
Đại diện một hệ thống phòng gym ở quận Gò Vấp cho biết thông thường lượng khách cao điểm rơi vào khung 17-21h. Tuy nhiên, hệ thống chuyển sang mô hình 24/24 từ năm 2021 do nhu cầu giờ giấc của khách hàng. Lượng khách tập sau 0h chiếm 5-10%, chủ yếu là người hướng nội hoặc bận rộn công việc.
Hệ thống phòng tập ở quận 10 cho biết ghi nhận lượng khách tập gym đêm (sau 23h) tăng dần từ tháng 7/2023, trung bình 20-30 khách mỗi đêm, chủ yếu là dân văn phòng, người nổi tiếng có lịch trình bận rộn. Đơn vị hỗ trợ dịch vụ khách tập gym đêm bao gồm tăng cường đèn chiếu sáng, điều hòa, nhân viên an ninh và huấn luyện viên cá nhân (PT).
Ông Nguyễn Thế Thanh Tùng, ủy viên Liên đoàn Cử tạ – Thể hình TP HCM, giám đốc điều hành CyberFit cho biết xu hướng tập gym sau 23h bắt đầu xuất hiện từ năm 2018.
Ông Tùng cho rằng người dân ở đô thị lớn như TP HCM có cuộc sống bận rộn, nhu cầu công việc cao và bị thu hẹp thời gian tập luyện với các phòng đóng cửa trước 22h. Các phòng gym 24/24 ra đời trong bối cảnh đó, nhằm mở rộng tệp khách hàng thích luyện tập trễ.
Chuyên gia phân tích cơ chế cơ thể người là ngày hoạt động, tối nên nghỉ ngơi để phục hồi thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, khi không có sự lựa chọn nào khác, người ta có thể cá nhân hóa giờ tập luyện theo giờ sinh học. “Người hoạt động và làm việc về đêm thì cũng có thể tập luyện về đêm”, ông Tùng nói.
Ông lưu ý tập luyện đêm cần những bài nhẹ nhàng như yoga, stretching (giãn cơ), bơi lội, đạp xe, tập tạ vừa sức với nhịp tim tối đa không quá 60%. Mặt khác, việc tập luyện nặng và cường độ cao trước ngủ sẽ dễ gây cảm giác hồi hộp, khó ngủ.
“Tập luyện là tốt nhưng cần lựa chọn phù hợp”, ông Tùng nói. “Người tập cần tìm hiểu kỹ, được tư vấn từ chuyên gia, huấn luyện viên có kinh nghiệm”.
Nam Phương, 27 tuổi, đam mê tập gym 5 năm với khung giờ yêu thích là trưa và chiều. Tuy nhiên, lịch trình của chàng trai làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội khá kín, từ 7h đến 17h mỗi ngày.
Anh tập gym đêm ở quận 10 vài ngày trong tuần bởi không có nhiều sự lựa chọn. Ban đầu, anh có cảm giác buồn ngủ nhưng dần quen và hài lòng. Phòng vắng khách khiến Phương có tâm trạng thoải mái, không phải xếp hàng chờ máy tập như giờ cao điểm.
“Ít ra tôi đã kỷ luật với bản thân mình và cố gắng không bỏ buổi gym nào”, Phương nói.
Ngọc Ngân