Toàn cảnh Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. (Nguồn: VGP) |
Nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn
Tuy chưa phải là tất cả, song những thông tin và con số nói trên, thể hiện trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu, đã cho thấy mục tiêu khá “tham vọng” của Chính phủ.
Thủ tướng cho biết, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 bao gồm 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2023 ước cả năm chỉ trên 5%, không đạt kế hoạch và dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có thể còn nhiều hơn dự báo, thì chỉ tiêu này có thể coi là “tham vọng”.
Tuy nhiên, cơ sở để đưa ra chỉ tiêu dự kiến về tăng trưởng của năm 2024 cũng đã được Chính phủ nêu tại báo cáo đầy đủ gửi tới các vị đai biểu Quốc hội trước thềm kỳ họp. Đó là tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế. Các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Rồi, nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đưa vào khai thác. Nhiều dự án của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được đẩy nhanh tiến độ triển khai khi đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Những cải thiện mạnh mẽ về cơ chế, chính sách liên quan đến quy định phòng cháy, chữa cháy, xuất nhập cảnh, đất đai, vật liệu xây dựng… được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
“Tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện vẫn là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển”, báo cáo của Chính phủ nêu.
Bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng, ở từng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ cũng nêu các con số cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ trước những “nợ xấu”, không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng.
Chẳng hạn, với tiến độ giải ngân đầu tư công - vấn đề luôn khiến các vị đại biểu Quốc hội sốt ruột, Thủ tướng cho biết sẽ “đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch”.
Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Cụ thể, hoàn thành 100% phương án phân cấp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được phê duyệt theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng. Bảo đảm cung cấp ít nhất 70% dịch vụ công trực tuyến và tỷ lệ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt ít nhất 40%.
Đề cập vấn đề rất nóng trong năm 2023 là thiếu điện (theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống người dân), Thủ tướng nêu rõ thông điệp: kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Để làm được điều này, theo một số vị đại biểu Quốc hội, là vô cùng khó khăn.
Mục tiêu “tham vọng” khác cũng được Thủ tướng báo cáo với Quốc hội, đó là hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém; hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo. Đây là những điểm nghẽn được nêu tại nhiều kỳ họp của Quốc hội. Phương án xử lý các ngân hàng yếu kém đã kéo dài qua nhiều năm. Nhưng đến tháng 8/2023, việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao. Còn một ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp trong phiên họp được truyền hình trực tiếp rằng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.
Cân đối mọi nguồn lực cho phát triển
Cũng trong ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ sáu, các báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Kế hoạch Tài chính - Ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026, vay, trả nợ công, đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025… đều được trình Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024 là đảm bảo bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN cho các nhiệm vụ trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác theo Luật NSNN.
“Dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2024 khoảng 2.100.300 tỷ đồng, tăng 24.100 tỷ đồng (tăng 1,2%) so với dự toán năm 2022. Dự toán chi đầu tư phát triển là 677.300tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2023 (không kể phần kinh phí bố trí cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023); chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi NSNN. Đây là mức cao so với một số năm qua”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội.
Với nợ công, Chính phủ dự kiến tổng nhu cầu vay của Chính phủ năm 2024 là 676.057 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương là 372.900 tỷ đồng (chiếm 55,16%); vay để trả nợ gốc của ngân sách Trung ương khoảng 287.034 tỷ đồng (chiếm 42,46%) và vay về cho vay lại là 16.123 tỷ đồng (chiếm 2,38%).
Về Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với 2 năm còn lại, Chính phủ xác định, tập trung nguồn lực, ưu tiên bố trí vốn NSNN cho chi đầu tư phát triển (chiếm khoảng 29% tổng chi NSNN), giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương.
“Tiếp tục rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, triển khai chậm, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Quốc hội.
Về khả năng cân đối vốn 2 năm 2024-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với dự kiến kế hoạch năm 2024 là 225.000 tỷ đồng, lũy kế bố trí 4 năm từ năm 2021 đến năm 2024 đạt 61,7% tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương được Quốc hội cho phép phân bổ. Như vậy, dự kiến có 376 dự án của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn hằng năm sẽ chuyển tiếp thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030.
Thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, với thực tế bố trí vốn ngân sách Trung ương hiện nay, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm chậm, cân đối nguồn cho chi đầu tư công không đạt kế hoạch, yêu cầu cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là khá lớn.
Bên cạnh đó, vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 giải ngân rất thấp, tạo áp lực lớn cho bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện giải ngân vốn. Do vậy, khả năng cân đối đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương là hết sức khó khăn để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn trong 2 năm còn lại của Kế hoạch Đầu tư công trung hạn, trong khi vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương chưa đảm bảo, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thuộc ngân sách Trung ương dự kiến hụt thu lớn.
“Đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn thực tế, tình hình giải ngân vốn đã phân bổ 3 năm qua, tập trung phân bổ, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.
Nguồn
Bình luận (0)