Xuất thân từ gia đình truyền thống làm thợ bạc, cứ tưởng Nguyễn Quang Sáng sẽ nối nghiệp với nghề kim hoàn “hái ra tiền”. Ai ngờ, chiến tranh nổ ra ông vào bộ đội năm 14 tuổi, rồi rẽ ngoặt với nghề chữ nghĩa để rồi đi trọn đường văn chương với nhiều tác phẩm để đời. Ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Theo lời kể của nhà văn Hoài Hương, khi chiết tự về 2 chữ “Quang – Sáng” trong tên và chữ lót của mình, lúc sinh thời nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nói với đồng nghiệp: “Quang là sáng, mà Sáng cũng là sáng, nhưng ba má không phải nhà nho nên chẳng kỳ vọng gì cao siêu. Chỉ mong con nên người, không những ích nước, lợi nhà mà còn rạng danh dòng tộc tổ tiên. Đạt được hay không thì phải do bản thân có ý thức được kỳ vọng đó hay không? Còn nói cho vui, Sáng – Sáng đặt cạnh nhau, trong ngôn ngữ có nghĩa là không sáng lắm, mà cái gì không sáng lắm đôi khi thu hút người ta tò mò”.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trịnh Bích Ngân khẳng định: “Ông mang đến văn đàn một phẩm chất đậm đặc Nam bộ. Phong vị Nam bộ ấy không dừng lại ở cảnh sắc Nam bộ, mà được ông thể hiện rõ nét hơn qua ngôn ngữ Nam bộ và tính cách Nam bộ. Đọc văn ông, dễ dàng mường tượng một không gian Nam bộ với đầy đủ sự cởi mở, sự thân thiện, sự hào hiệp và bao dung. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không chỉ là một “con chim vàng” của văn học Nam bộ mà còn là một mục từ cá tính trong từ điển văn học VN”.
Mạo muội ví ông là “người không giống ai”, theo nhà văn Hoài Hương: “Nguyễn Quang Sáng có một cách làm việc thật lạ: khi viết, ông phải nghe nhạc. Có lẽ thế mà ông là người đầu tiên được nhạc sĩ Hoàng Việt chia sẻ giai điệu bất hủ của Tình ca khi nó mới chỉ hình thành những khúc đầu, để khi hoàn thành, ông cũng là người đầu tiên được thưởng thức trước khi công bố. Ông còn được mệnh danh là nhà văn viết về số phận con người Nam bộ trong chiến tranh. Nhưng trong thời bình, ông cũng không đứng ngoài thế sự. Tác phẩm cuối cùng trước ngày ra đi vẫn là số phận con người. Một nông dân sau chiến tranh ra thành phố kiếm sống, mấy mươi năm ở thành phố, cũng có thành danh thành người, trở về quê, đối diện những mất – còn và những bất công của làng quê nên muốn thay đổi để quê hương được tốt hơn, người dân quê được sống bình yên và có công bằng…”.
Nhà văn Trầm Hương chia sẻ câu chuyện thú vị về tác giả Chiếc lược ngà ở góc nhìn khác, đó là “mở kho” những lá thư chiến trường của ông: “Tôi say mê đọc và dừng lại rất lâu những lá thư của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, thật thú vị và cảm động khi phát hiện ra nhiều ẩn số làm nên giá trị bền vững những tác phẩm ông viết trong thời chiến tranh và sức hấp dẫn những tác phẩm ông viết trong thời bình”.
“Những lá thư từ chiến trường như còn vương mùi khói súng đều ố màu theo thời gian. Và trong thẳm sâu của các con chữ, tôi biết ông vẫn có những ngậm ngùi, day dứt vì những quyển sách ấp ủ từ thời chiến tranh ác liệt, về đồng đội như Hoàng Việt, Lê Anh Xuân, Hoàng Anh… vẫn chưa kịp viết ra”, nhà văn Trầm Hương xúc động.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-hoi-uc-dep-ve-cay-dai-thu-van-chuong-nam-bo-185241207002359231.htm