Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nữ giới trong STEM - làm gì để không tụt hậu?

(PLVN) - Trong thế giới hiện đại, nơi công nghệ, dữ liệu và sáng tạo ngày càng chi phối mọi mặt đời sống, lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) được xem là nền tảng cho sự phát triển bền vững và đổi mới của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, một trong những thực tế đáng lo ngại hiện nay là tỷ lệ tham gia của nữ giới trong lĩnh vực này vẫn còn khiêm tốn, đặt ra câu hỏi lớn: Làm gì để nữ giới không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng số đang diễn ra trên toàn cầu và ở Việt Nam?

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam14/04/2025

Xóa bỏ khoảng cách giới tính trong STEM

Theo báo cáo của UNESCO năm 2023, chỉ dưới 30% nữ giới trên toàn cầu lựa chọn theo học hoặc làm việc trong các lĩnh vực STEM. Tại Việt Nam, con số này nhỉnh hơn một chút - khoảng 37%, nhưng vẫn phản ánh rõ rệt sự bất bình đẳng giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp. Khoảng cách này không đơn thuần là sự chênh lệch số lượng, mà còn là hệ quả của một chuỗi rào cản kéo dài: từ định kiến xã hội, thiếu nguồn lực hỗ trợ, hạn chế trong giáo dục định hướng đến sự thiếu vắng hình mẫu truyền cảm hứng.

Trong môi trường học đường, nhiều nữ sinh vẫn ngần ngại lựa chọn ngành học kỹ thuật vì e ngại “khó khăn” hay “nam giới làm tốt hơn”. Trong khi đó, trên thị trường lao động, các doanh nghiệp công nghệ cũng chưa thực sự tạo được môi trường làm việc bình đẳng và khích lệ nữ giới phát triển dài hạn. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm mất đi một lực lượng nhân lực tiềm năng trong lĩnh vực đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong bối cảnh đó, dự án STEMherVN do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) thực hiện từ năm 2022 đã trở thành một điểm sáng trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực STEM tại Việt Nam. Bởi STEMherVN không chỉ dừng lại ở các buổi truyền thông, mà còn mang tính hệ thống với chuỗi hoạt động: tập huấn, cố vấn (mentoring), hướng nghiệp, trải nghiệm thực tế…

Mới đây, tại sự kiện truyền thông “Nữ giới trong STEM - Sáng tạo không kém”, gần 200 nữ sinh từ các trường THPT và cao đẳng tại TP HCM đã tham gia chuỗi hoạt động khám phá, học hỏi và kết nối với những người truyền cảm hứng - từ sinh viên đại học đến các chuyên gia doanh nghiệp. Qua đó, các em không chỉ được “nghe để biết”, mà còn “trải nghiệm để tin” vào khả năng và tiềm năng của bản thân trong lĩnh vực STEM.

Ông Thắng Hà - Đại diện Tập đoàn MiTek Việt Nam chia sẻ: “STEM không chỉ là những kiến thức khô khan, mà còn là không gian của sự sáng tạo, phát triển và đổi mới không ngừng. Sự đa dạng giới là yếu tố then chốt trong thúc đẩy đột phá công nghệ”.

Có cơ hội tiếp cận và được hỗ trợ phát triển

Thực tế đã chứng minh rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể đạt thành tựu vượt trội trong STEM. Mới đây nhất, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài và TS Hà Thị Thanh Hương là hai nhà khoa học nữ thuộc Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP Hồ Chí Minh - được vinh danh tại Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, với những phát minh, sáng chế có giá trị khoa học, thực tiễn cao, đi đầu trong cuộc “cách mạng xanh” đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Điều này cho thấy, vấn đề không nằm ở khả năng, mà ở cơ hội - cơ hội tiếp cận, được định hướng và được hỗ trợ phát triển. Trong thời đại AI, dữ liệu lớn, tự động hóa, tụt hậu không chỉ là cá nhân mất cơ hội, mà còn là sự lãng phí nguồn lực quốc gia.

Tại khu vực TP HCM, dự án đã có 16 nữ sinh ưu tú và định hướng theo học các ngành STEM được tuyển chọn để trở thành Đại sứ dự án. Em Nguyễn Mai Anh, học sinh lớp 10B7 THPT Dương Văn Dương, đại diện Đại sứ Trung học STEMherVN chia sẻ: “Trước khi tham gia dự án, em từng lo lắng không biết mình có phù hợp với khoa học hay không. Em sợ rằng con gái sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi theo đuổi lĩnh vực này. Nhưng nhờ STEMherVN, em đã thay đổi suy nghĩ và hiểu rằng đam mê không phân biệt giới tính, chỉ cần có sự quyết tâm và cố gắng, ai cũng có thể chinh phục được những thử thách trong khoa học và công nghệ”.

Nguyễn Hoàng Phương Trinh, nữ sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM - Đại sứ Đại học STEMherVN 2024 chia sẻ cảm nghĩ sau quá trình đồng hành cùng dự án: “Trong một thế giới công nghệ đang phát triển không ngừng, các bạn hoàn toàn có thể theo đuổi đam mê trong khoa học, lập trình và kỹ thuật - những lĩnh vực có thể thay đổi thế giới. Dù bạn đang ở bậc trung học hay đại học, việc học hỏi, kiên nhẫn và dám mơ lớn sẽ mở ra những cơ hội không giới hạn. Chúng em tin rằng giáo dục không chỉ là con đường kiến tạo tương lai, mà còn là nguồn cảm hứng để các bạn vượt qua mọi giới hạn”.

Từ những quan điểm trên có thể thấy, nữ giới không cần “được ưu tiên” hay “được nâng đỡ đặc biệt” - họ chỉ cần một cơ hội công bằng để thể hiện năng lực. Bởi khi rào cản vô hình được gỡ bỏ, chính họ sẽ là những người tạo ra kỳ tích, dẫn dắt đổi mới và góp phần xây dựng một thế giới bền vững hơn.

Bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) nhấn mạnh: “Phụ nữ hoàn toàn có khả năng sáng tạo ngang bằng với nam giới trong các lĩnh vực STEM. Tuy nhiên, do những rào cản và định kiến xã hội mà sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực này còn ít hơn rất nhiều so với nam giới, dẫn đến sự thiếu hụt đại diện trong các ngành này. Chính vì thế, dự án STEMherVN hướng tới hỗ trợ và đồng hành với các bạn nữ sinh trong hành trình theo đuổi đam mê và phát huy thế mạnh trong lĩnh vực STEM, giúp các em nâng cao tự tin, kĩ năng và các cơ hội khám phá lĩnh vực thú vị và đầy tiềm năng này”.

Thực tế cho thấy, muốn nữ giới không tụt hậu trong STEM, cần hành động đồng bộ ở nhiều cấp độ từ việc giáo dục sớm và định hướng nghề nghiệp không định kiến (các trường học cần đẩy mạnh giáo dục STEM từ cấp THCS, đồng thời lồng ghép nội dung về bình đẳng giới để khơi gợi sự tự tin và tò mò khoa học ở nữ sinh), sự hỗ trợ từ doanh nghiệp và cộng đồng (doanh nghiệp nên ưu tiên tuyển dụng và phát triển tài năng nữ, đồng thời xây dựng chính sách làm việc linh hoạt, môi trường học hỏi thân thiện với giới nữ)…

Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là chính sách quốc gia về giáo dục bình đẳng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý giáo dục và lao động để tạo ra hệ thống chính sách mang tính chất lâu dài và bao trùm, hướng tới mục tiêu một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau.

Nguồn: https://baophapluat.vn/nu-gioi-trong-stem-lam-gi-de-khong-tut-hau-post545303.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm