Ngày 5.11, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại nội Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức tọa đàm ra mắt sách Hàm Nghi – Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger của tác giả, diễn giả – tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.
Cuốn sách Hàm Nghi – Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger là công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi, một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa, trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Alger.
Cuốn sách gồm có 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ được dịch từ bản gốc tiếng Pháp Hàm Nghi – Empereur en exil, artiste à Alger do Nhà xuất bản Sorbonne ấn hành năm 2019.
Để thực hiện công trình nghiên cứu này, tiến sĩ Amandine Dabat dựa vào 2 bộ sưu tập quan trọng. Trong đó bộ sưu tập Hàm Nghi do hậu duệ của nhà vua lưu giữ gồm 2.500 tài liệu, chủ yếu là thư từ, có cả thư nhà vua nhận và các bản thảo thư do nhà vua viết trong thời gian lưu đày. Bộ sưu tập thứ hai là tài liệu của chính quyền Alger chứa đựng những văn bản hành chính và các dự án chính trị của Chính phủ Pháp liên quan đến vua Hàm Nghi.
Sau khi phiên dịch, cuốn sách giúp bạn đọc Việt Nam khám phá khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế – một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Sau khi đọc tác phẩm của tiến sĩ Amandine Dabat, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (ở TP.Huế) nhận xét tại buổi ra mắt rằng, cuốn sách đã đưa đến cho công chúng những góc nhìn mới, chưa từng xuất hiện và những bí ẩn của vua Hàm Nghi. Cuốn sách hết sức thú vị bởi trong hơn 50 năm cuối đời vua Hàm Nghi sống lưu đày, mọi người chưa biết gì về bí ẩn của ông. Tác phẩm này đã dựng lại toàn bộ cuộc đời cùng với những thành tựu của vua Hàm Nghi trên mọi góc cạnh.
“Khi vua Hàm nghi vừa sang Pháp đã quen 1 nữ văn sĩ và có một tình bạn đẹp với nữ nhà văn này suốt 17 năm. Nhà văn này liên tục viết về Hàm Nghi, viết sách, làm những bài thơ tiếng Pháp có liên quan đến tên của vua Hàm Nghi, tha thiết đến mức tạc tượng của Hàm Nghi. Có thể nói bà say đắm Hàm Nghi. Nhiều khi không phân định được đây là tình yêu hay tình bạn, tuy nhiên ông vua lưu đày vẫn giữ rất tốt tình bạn giữa 2 người”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói về những nội dung mà ông ấn tượng sau khi đọc cuốn sách.
Đó chỉ là một trong những câu chuyện chưa được tiết lộ trước đó về vua Hàm Nghi, được tác giả Amandine Dabat kể lại qua những trang sách.
Giới nghiên cứu về văn hóa Huế đánh giá, đây là một công trình nghiên cứu nghệ thuật chưa từng có tại Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, tác giả cuốn sách đã sử dụng nhiều tài liệu của gia đình sưu tập, là kho tàng chưa từng xuất hiện trước công chúng và mang tính chính xác cao. Tác giả còn là một nghiên cứu sinh có kiến thức sâu sắc về nghệ thuật tạo hình nên đã thấy được vua Hàm Nghi chịu ảnh hưởng của những ai trong cuộc sống.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đánh giá đây là công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của vua Hàm Nghi trong vai trò một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa, giai đoạn ông lưu vong tại Pháp và Alger. Công trình khám phá khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế, để lại gia tài đồ sộ về nghệ thuật bao gồm 91 bức tranh và các tác phẩm điêu khắc khác.
TS Amandine Dabat là chắt gái của công chúa Như Lý (con gái của vua Hàm Nghi). Bà là tiến sĩ lịch sử nghệ thuật (Đại học Sorbonne), thạc sĩ Việt Nam học (Đại học Paris 7-Diderot). Năm 2015, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Lịch sử nghệ thuật quốc gia Pháp (Paris) với đề tài về vua Hàm Nghi có tên “Hàm Nghi – Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”.
Nhiều năm qua, bà đã rất tâm huyết và hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trong việc thu thập các tư liệu ảnh, tranh vẽ và hiến tặng nhiều kỷ vật quan trọng, làm phong phú thêm bộ sưu tập di sản về vua Hàm Nghi tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Qua đó, giúp công chúng có thêm góc nhìn về vua Hàm Nghi, không chỉ là một vị vua yêu nước mà còn là một nghệ sĩ tài năng, để lại dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam; là người đầu tiên đặt nền móng cho nền mỹ thuật châu Âu tại Việt Nam.
Dịp này, các hậu duệ của vua Hàm Nghi cũng đã trao tặng cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế nhiều kỷ vật quý giá của vua Hàm Nghi gồm: khay gỗ khảm xà cừ, bộ sách chữ Hán, đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã và đôi tiềm bằng sứ. Đây là những hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử cao, góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập di sản về vua Hàm Nghi tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-dieu-chua-biet-ve-vua-ham-nghi-qua-cuon-sach-cua-hau-due-doi-thu-5-185241105133714247.htm