Bến phà Gót đã chính thức dừng hoạt động để chuyển sang bến mới Đồng Bài to đẹp hơn.
Hoàn thành sứ mệnh sau 20 năm
Những ngày đầu tháng 3, PV Báo Giao thông quay trở lại bến phà Gót, nơi mà chỉ cách mấy ngày trước đó luôn nườm nượp người, xe qua lại. Giờ đây, bến vắng lặng giữa mênh mông sóng nước.
Khu nhà điều hành, trạm soát vé qua phà Gót vẫn còn đó, nhưng đường lên xuống phà trước đây đã được kéo barie ngăn kín. Các hàng quán dọc xung quanh bến phà đóng cửa im lìm.
Bà Nguyễn Thị Hoài, nhà gần bến phà cho hay, trước đây gia đình bà mở cửa hàng tạp hóa bán cho khách qua phà, đây là nguồn thu chính của gia đình.
Từ khi phà Gót dừng hoạt động, do tuổi cũng đã cao, bà ở nhà đỡ đần con cháu việc nội trợ.
“Biết là người dân đi phà mới hiện đại hơn, bản thân tôi cũng đã đến lúc nghỉ ngơi. Nhưng tôi vẫn không khỏi luyến tiếc.
Xưa nay ai nấy cứ nghĩ đến đảo Ngọc Cát Bà là nhớ đến phà Gót.
Phà Gót đã chở biết bao người, cũng là nơi mưu sinh của nhiều người khác trong hơn 20 năm qua”, bà Hoài tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Nga, một người bán hàng nước trên bến phà cho biết, chị đã gắn bó, bán hàng suốt 10 năm qua.
Chỉ với bàn nước nhỏ, ít kẹo lạc, vài quả trứng luộc, nải chuối… cũng đem lại cho chị thu nhập chừng 200.000 đồng/ngày.
Bến Gót dừng hoạt động cũng là lúc chị cũng như hàng chục người bán nước ở bến phà phải tìm công việc khác để mưu sinh.
“Bao năm gắn bó với bến phà này, chúng tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm.
Du khách ghé quán đôi khi không chỉ là uống nước trả tiền, mà còn đem đến bao câu chuyện buồn vui tứ xứ. Phà Gót như một phần kỷ niệm của nơi này”, chị chia sẻ.
Bâng khuâng những kỷ niệm xưa
Năm 2002, bến phà Gót tại đảo Cát Hải chính thức đi vào hoạt động với nhiệm vụ đưa người dân và du khách sang bến Cái Viềng thuộc xã Phù Long của đảo Ngọc Cát Bà.
Lãnh đạo Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng cho biết, trước khi dừng hoạt động, phà Gót – Cái Viềng vận chuyển trung bình 3.700 khách, 700 lượt phương tiện/ngày, hơn 3 triệu lượt khách mỗi năm.
Vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ 30/4 – 1/5, lượng khách và phương tiện tăng 1,5 – 2 lần.
Những tháng cao điểm du lịch, bến phà thường xuyên hoạt động hết công suất dẫn đến quá tải, gây ùn tắc.
Những ngày cao điểm du lịch, có khi khách đợi cả ngày mới qua được phà Gót để sang đảo Cát Bà hoặc từ đảo Cát Bà trở về đất liền.
Thậm chí, đã có nhiều du khách phải ngủ qua đêm vạ vật vì tắc phà.
29/2 là ngày bến Gót chạy những chuyến phà cuối cùng trước khi chuyển sang bến mới.
Trực tiếp có mặt trên chuyến phà cuối cùng ấy, PV Báo Giao thông chia sẻ với hành khách và nhân viên trên bến cảm giác bâng khuâng khó tả.
“Tôi sẽ nhớ phà Gót, nhớ những lần chờ đợi, những lúc tắc đường kéo dài hàng kilomet trong thời tiết nắng nóng của mùa hè hòa với gió biển mặn chát từng cơn lùa qua”, ông Trần Văn, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.
Với những cán bộ và công nhân viên làm việc tại bến Gót lại mang cảm giác khác.
Họ nhớ bến cũ, những kỷ niệm những câu chuyện gắn bó với các hoạt động đưa đón khách, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, trò chuyện với những người bán hàng nước để quên đi áp lực trong lao động.
Tài công Phạm Văn Ngọc cho biết, dù biết việc bến Gót dừng hoạt động đánh dấu sự phát triển mới nhưng với hơn 10 năm gắn bó với bến phà cũ, với bà con ở gần bến khiến anh không tránh khỏi những cảm xúc vui buồn lẫn lộn.
“Vui vì được sang làm việc ở bến phà mới hiện đại, tiện nghi hơn, hành khách không phải đợi phà lâu, hy vọng không còn cảnh ùn tắc kéo dài.
Nhưng cũng buồn vì phải rời xa nơi từng gắn bó với mình. Việc chuyển sang bến phà mới giống như chúng tôi rời ngôi nhà cũ đầy kỷ niệm”, anh Ngọc nói.
Kỳ vọng chấm dứt cảnh ùn tắc ra Cát Bà
Khi bến phà Gót dừng hoạt động, đã có bến phà Đồng Bài cách đó 4km được vận hành để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ghi nhận thực tế, bến phà Đồng Bài đang được hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cảnh quan, nhà chờ.
Trong những ngày đầu tiên vận hành hoạt động của bến Đồng Bài công tác phục vụ hành khách và phân luồng giao thông rất tốt.
Bến Đồng Bài có diện tích rộng gấp rưỡi bến phà cũ. Trong đó, phần mặt nước rộng hơn 2,1ha, đường giao thông vào bến rộng 1,8ha, khu nhà chờ rộng hơn 830m2, hệ thống mái che khoảng 1.500m2…
Với cơ sở vật chất hiện đại cùng năng lực vận chuyển cao hơn, thời gian tới khi bến được tăng cường thêm 5 phà lớn, tình trạng ùn vào dịp cao điểm du lịch chắc chắn sẽ không còn.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GTVT Hải Phòng, so với bến phà Gót, bến phà Đồng Bài cơ bản khắc phục được nguyên nhân gây ùn tắc.
Trong đó, tuyến đường xuống bến phà Đồng Bài không có tình trạng “thắt nút chai” làm ùn ứ phương tiện như tại bến phà Gót trước đó.
Ông Vũ Mạnh Trung, Trưởng bến phà Đồng Bài cho biết, những ngày qua, hoạt động vận chuyển hành khách rất thuận lợi, thời gian hành trình mỗi chuyến phà khoảng 25 – 33 phút.
Tuyến bến mới dài 1,86km (Đồng Bài – Cái Viềng); tuyến cũ Gót – Cái Viềng là 1,74km, như vậy chiều dài hành trình dài hơn 0,12km (120m).
“Hiện tại, giá vé qua bến phà mới vẫn giữ nguyên như bến cũ, toàn bộ 152 cán bộ và công nhân viên bến phà cũ đã được điều động sang bến mới để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách”, ông Trung thông tin.
Ông Trung cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, các cán bộ và nhân viên bến phà vẫn sử dụng trụ sở cũ của bến Gót để phục vụ sinh hoạt.
Theo báo cáo từ UBND huyện Cát Hải, dự kiến lượng khách du lịch đến với Cát Bà trong năm 2024 sẽ vượt mức 3,6 triệu lượt khách. Các đoàn khách đến với Cát Bà chủ yếu bằng đường bộ.
Do đó, việc đưa bến phà Đồng Bài đi vào hoạt động trước mùa hè năm 2024 sẽ tạo thuận lợi hơn cho khách du lịch di chuyển sang đảo Cát Bà, hạn chế tình trạng tắc đường, giảm bớt thời gian chờ đợi qua phà.
Bến phà Gót sẽ được thành phố thu hồi trong thời gian tới để phục vụ phát triển khu công nghiệp và cảng biển.