Với những bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần, yêu nghề, chuyên môn, nghiệp vụ tốt chưa đủ để giúp các bác sĩ bước vào được “thế giới riêng” của bệnh nhân. Mà họ còn mang một “tinh thần thép”, sự kiên nhẫn, nghị lực xen lẫn sự ân cần, thấu hiểu người bệnh. Điều này giúp các bác sĩ hiểu được căn nguyên tâm bệnh để công tác điều trị cho bệnh nhân hiệu quả hơn.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thắm, Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng – Nhi thực hiện liệu pháp điều trị cho bệnh nhân.
Có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ, tôi mới nhận thấy chữa trị cho bệnh nhân tâm thần khó gấp bội bệnh nhân tâm lý bình thường. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thắm, Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng – Nhi chia sẻ: Tâm thần không hẳn là điên dại như mọi người thường nghĩ. Mà đây là tên gọi chung cho hàng trăm dạng bệnh liên quan đến thần kinh, tâm lý do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: do di truyền; gặp phải cú sốc tinh thần hoặc bị một áp lực nào đó mà phát bệnh. Những người phải vào điều trị tại bệnh viện thường là bị rối loạn trầm cảm thuộc dạng nặng, tâm thần phân liệt, chậm phát triển tâm thần, động kinh, mất trí tuổi già,… nhiều khi không làm chủ được hành vi, lời nói của mình và rơi vào tình trạng bị kích động mạnh. Những trường hợp này, tiếp xúc, điều trị bệnh hết sức khó khăn, vất vả, thậm chí rất nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thắm đã gắn bó với nghề hơn 28 năm. Từ một cô sinh viên mới ra trường rụt rè, lo sợ, bác sĩ Thắm đã dần thương cảm trước những mảnh đời của người bệnh. Và giờ, bác sĩ Thắm đã trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Trong tâm niệm của bác sĩ Thắm, bệnh nhân tâm thần là đối tượng yếu thế nhất trong xã hội. Vì một lý do nào đó trong cuộc sống khiến họ điên dại, không làm chủ được hành vi, cảm xúc của mình. Thoạt nhìn, họ có thể đáng sợ. Nhưng tiếp xúc với người bệnh lâu, trò chuyện với họ trong những lúc phát bệnh cũng như khoảng tĩnh – lúc bình thường, tôi mới thấy họ thật đáng thương và cần một điểm tựa tinh thần để giải tỏa những ngột ngạt trong cuộc sống.
Từ sự đồng cảm, thấu hiểu bệnh nhân, bác sĩ Thắm xác định không chỉ nỗ lực nâng cao chuyên môn nghiệp vụ mà còn cố gắng rèn luyện sự kiên nhẫn, điềm tĩnh khi tiếp xúc với bệnh nhân. Bởi, bệnh nhân nơi đây không phải mắc các bệnh cấp cứu, viêm nhiễm cấp tính mà họ mắc bệnh từ tâm, cần thời gian trò chuyện, tâm sự để hiểu con người, tính cách bệnh nhân cũng như khai thác những yếu tố xung quanh tác động đến người bệnh. Do đó, trong quá trình thăm khám bệnh nhân, bác sĩ Thắm thường chú ý quan sát trạng thái, ánh mắt, cử chỉ của bệnh nhân để tìm cách trò chuyện phù hợp với mỗi người bệnh. Điều này giúp bệnh nhân cảm thấy sự tin tưởng, an toàn và thoải mái khi tiếp xúc với bác sĩ, xem bác sĩ là một người bạn để giãi bày tâm sự.
Có mặt tại Khoa Lão khoa, tôi được chứng kiến hình ảnh bác sĩ nam không chỉ khám theo dõi nhịp tim, huyết áp cho bệnh nhân mà còn hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh cá nhân… Bác sĩ CKI Bùi Hải Triều, Phó trưởng Khoa Lão khoa, cho biết: Nhân viên y tế đóng vai trò là người thân của bệnh nhân. Bởi, bệnh nhân ở đây chủ yếu là người già, nhiều người ở đây không có người thân, không đủ tỉnh táo để thực hiện các việc sinh hoạt hàng ngày. Một số trường hợp có người thân nhưng chỉ là đại diện về mặt pháp luật chứ không đủ sức để hỗ trợ bệnh nhân do người chăm sóc cũng tuổi cao. Do đó, y, bác sĩ thường xuyên phải chăm sóc, dỗ dành để bệnh nhân ăn đủ bữa, ngủ đúng giờ đảm bảo sức khỏe điều trị; hỗ trợ bệnh nhân thay bỉm, đi vệ sinh, di chuyển để đảm bảo an toàn, tránh các va chạm, trượt ngã khiến bệnh trở nặng thêm.
Ngoài chăm sóc bệnh nhân, mà bác sĩ tại đây còn dành nhiều giờ để nghe bệnh nhân trò chuyện dù là những chuyện không rõ ràng hay lặp đi lặp lại nhiều lần, hoặc ngồi trò chuyện để tháo gỡ vướng mắc trong lòng những bệnh nhân luôn trầm lặng ít nói. Theo chân bác sĩ Triều vào một phòng bệnh mà bệnh nhân ở đó không khóc, không cười, cũng chẳng nói, cứ ngồi trầm ngâm mở to đôi mắt nhìn trời, nhìn đất. Anh trò chuyện một hồi lâu cùng bệnh nhân nam, nhưng chỉ nhận lại được những cái gật đầu. Bệnh nhân này là một thầy giáo, chừng ngoài 50 tuổi do áp lực công việc anh trở bệnh. Khi nhập viện anh không nói, không cười, không ăn, không uống thuốc, không hợp tác. Mỗi khi đến giờ ăn, bác sĩ Triều và các y, bác sĩ trong khoa thay nhau động viên, hỗ trợ cho bệnh nhân ăn. Ngày nào cũng dành thời gian trò chuyện với bệnh nhân để tìm được sự đồng cảm và tin tưởng từ bệnh nhân. Sau hơn một tháng điều trị, bệnh nhân dần hợp tác với bác sĩ, chịu khó ăn ngủ và uống thuốc. Bác sĩ Triều chia sẻ: Dù trong hoàn cảnh nào nhân viên y tế cũng không được cáu gắt, nổi giận với bệnh nhân. Đặc biệt, không được để những tác động từ bệnh nhân như: tiếng la hét, hát hò, khóc lóc, hay sự hung dữ, đập phá làm ảnh hưởng đến tâm lý, trạng thái của bác sĩ. Là một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Tâm thần không chỉ chú trọng chuyên môn mà cần rèn luyện “tinh thần thép”.
Có thể với ai đó, nhắc đến Bệnh viện Tâm thần là e ngại, nhưng với đội ngũ y, bác sĩ công tác tại đây ai cũng luôn tận tụy, hết lòng và đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh. Họ đang làm một việc mà ít ai dám làm, đó là gieo hy vọng, tạo niềm tin về một cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân đặc biệt.
Bài và ảnh: Thùy Linh