Tặng quà cho người có uy tín vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Nhật Quỳnh |
Hiện nay, số người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chiếm 25,54% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển khá toàn diện; bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác dân tộc, tôn giáo được chú trọng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường.
Kết quả đó có được một phần nhờ sự đóng góp của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Họ đóng vai trò cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS để chính sách dân tộc được thực hiện đúng đắn, hiệu quả; đồng thời, giúp Đảng, Nhà nước nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào. Vì thế, việc xây dựng, kiện toàn và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS là yêu cầu khách quan trong thực hiện chính sách dân tộc.
Ông Dơ Woang Ya Gương - Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh thông tin: Công tác rà soát, bình xét bổ sung, đưa ra khỏi danh sách người có uy tín hàng năm được triển khai đến từng thôn, tổ dân phố trên toàn tỉnh. Vấn đề này được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự theo quy định.
Việc rà soát, bình xét bổ sung, đưa ra khỏi danh sách người có uy tín hàng năm cũng là yếu tố để chính những người uy tín luôn có sự trau dồi, rèn luyện, nhất là về đạo đức lối sống. Đồng thời, đó cũng là động lực để họ có nhiều hơn những đóng góp cho cộng đồng. Và việc rà soát, bình xét bổ sung, đưa ra khỏi danh sách người có uy tín hàng năm là yếu tố quan trọng để đội ngũ những người uy tín luôn là điển hình tiêu biểu của các buôn làng.
Bên cạnh đó, để phát huy tốt nhất vai trò của người uy tín, đòi hỏi việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín cũng phải được thực hiện đảm bảo đúng quy định. Theo đó, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố để tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin, bồi dưỡng các kiến thức pháp luật cho người có uy tín. Tiến hành cấp phát Báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc và Báo Lâm Đồng cho người uy tín đầy đủ. Hàng năm, người uy tín được đi học tập, trao đổi kinh nghiệm ngoài tỉnh. Đơn cử như năm 2024, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã tổ chức 2 đoàn đại biểu, với 90 người có uy tín trong toàn tỉnh đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung. Nội dung giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi công tác quản lý Nhà nước về dân tộc, chính sách dân tộc và được nghe những người có uy tín trong đồng bào DTTS với các tỉnh chia sẻ các kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phát triển các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng xây dựng nông thôn mới và đoàn kết dân tộc… Hàng năm, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín nhân dịp lễ, tết và thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau; thăm viếng người có uy tín, thân nhân người có uy tín qua đời…
"Việc tổ chức triển khai kịp thời chế độ chính sách đối với người uy tín trên địa bàn tỉnh đã góp phần chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người uy tín. Từ đó, người có uy tín luôn là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước", Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Dơ Woang Ya Gương nhận định.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ người có uy tín, các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh cung cấp, phổ biến thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh... Đồng thời, tạo điều kiện hơn nữa để người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, kinh phí đi lại, chế độ Bảo hiểm y tế… cho những người có uy tín một cách phù hợp để người có uy tín có điều kiện phát huy vai trò trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo chính sách đối với người có uy tín luôn được thực hiện đúng. Điều này không chỉ tạo niềm tin trong đội ngũ người uy tín mà còn tạo niềm tin trong bà con người đồng bào DTTS nói chung, góp phần tạo đồng thuận và ổn định trong toàn xã hội.
Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202503/quan-tam-xay-dung-doi-ngu-nguoi-co-uy-tin-5a91146/
Bình luận (0)