Nhiều kiến nghị và giải pháp cấp bách được đưa ra tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ diễn ra vào sáng nay (18/7) tại thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng.
Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Vùng nhằm phối hợp triển khai thực hiện các định hướng của Vùng đã được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua, là dấu mốc quan trọng trong chuỗi các chương trình cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
Thủ tướng
Chính phủ trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định số 825 ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Đây là 1 trong 4 Hội đồng điều phối vùng được Thủ tướng Chính phủ thành lập, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.
Quan điểm phát triển vùng Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
Mục tiêu phát triển vùng đến năm 2030 xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.
Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế phát triển đứng đầu cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 8 – 8,5%; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; Hoàn thành đường vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn l.
Đến năm 2050, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất, kiến nghị và đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển Vùng Đông Nam Bộ trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới về các nội dung như: Giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại; Giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong Vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực; Giải pháp hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai; Giải pháp xử lý các vấn đề về môi trường; chuyển đổi số và xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng; Đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù cho Vùng; Giải pháp phát triển vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistic dọc tuyến vành đai 3, vành đai 4; các giải pháp kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt là giải pháp phối hợp và thu hút nguồn lực xây dựng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ đồng bộ, hiện đại.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đó nhấn mạnh, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, vượt trội để đẩy mạnh phát triển Vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng tương tự như một số cơ chế, chính sách thí điểm của Thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, trong đó tập trung vào như: Thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương có năng lực kinh nghiệm thực hiện đầu tư KCHT liên vùng, nhằm chủ động huy động, sử dụng các nguồn lực của địa phương, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và bố trí nguồn lực phù hợp
Xây dựng các cơ chế, chính sách tăng tính hấp dẫn và hiệu quả đầu tư của các dự án PPP như: tăng tỷ lệ phần vốn góp của nhà nước tham gia dự án; khai thác có hiệu quả nguồn lực từ tài sản kết cấu hạ tầng (như nhượng quyền khai thác KCHTGT sẵn có), xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược…; Nghiên cứu, triển khai cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ hai bên tuyến đường bộ cao tốc, các công trình nhà ga của tuyến đường sắt qua đô thị gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị các địa phương trong vùng cần chủ động dành nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp kịp thời, đồng bộ các tuyến đường kết nối từ đường cao tốc, giao thông trục chính vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và cảng thủy nội địa, để đảm bảo khai thác đồng bộ hạ tầng giao thông, không để xảy ra tình trạng “cảng chờ đường” gây lãng phí nguồn lực.
Về giải pháp điều phối, xây dựng và phát triển các đô thị lớn trong vùng trở thành các thành phố hiện đại mang tầm cỡ khu vực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đưa ra các giải pháp, đồng thời đề nghị quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác lập quy hoạch, tập trung hoàn thành, phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam bộ, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trong vùng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng không còn phù hợp để đảm bảo yêu cầu đầu tư phát triển, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch, với các cấp độ quy hoạch.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ và các địa phương quan tâm dành đủ nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, trong đó tập trung cho kết cấu hạ tầng giao thông cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; cân đối bố trí đủ nguồn lực để đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm tại các đô thị lớn và quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công dân đảm bảo thực hiện mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của các địa phương trong thực hiện Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.
Cho biết nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại vùng Đông Nam bộ là lớn nhất cả nước, ông Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh viêc cần đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc về phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hằng năm của các tỉnh trong vùng. Hình thành các đô thị gắn với phát triển các khu công nghiệp tại các tỉnh xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ, giảm áp lực gia tăng dân số tại khu vực đô thị trung tâm Thành phố.
Nâng cấp, cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại tại đô thị và mạng lưới cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội lồng ghép vào quá trình lập và phê duyệt chương trình phát triển đô thị. Tiếp tục có chính sách khuyến khích đối với các dự án cung cấp dịch vụ xã hội đô thị ở các khu kinh tế của khẩu, các vùng công nghiệp lớn.
Về giải pháp xử lý các vấn đề về môi trường, ngập úng thích ứng với biến đổi khí hậu trong đó tập trung vào giải pháp bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nêu rõ cần phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, Tiếp tục tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh
Ông Đặng Quốc Khánh đề nghị, cần chủ động kiểm soát các nguồn thải lớn, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu đối với môi trường thông qua mô hình tổ giám sát đối với dự án, cơ sở sản xuất lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao; thiết lập các cơ chế kiểm soát liên ngành, liên vùng, ngăn chặn các hoạt động phát thải gây hại đến môi trường trong vùng và liên vùng
Đặc biệt chú trọng đến các vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải; phân luồng các dự án đầu tư mới theo mức độ tác động đến môi trường ngay từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư để kiểm soát trong suốt vòng đời hoạt động; kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua giấy phép môi trường, quy hoạch BVMT, khả năng chịu tải môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Theo vov.vn