TP HCM cùng nhiều tỉnh thành hết vaccine miễn phí để tiêm cho trẻ, cầu cứu Bộ Y tế phân phối, song theo quy định mới, các tỉnh phải tự lo.
Ngày 16/5, đại diện Sở Y tế TP HCM cho biết các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn đã hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB và DPT để tiêm miễn phí.
Theo đó, vaccine DPT-VGB-HiB (5 trong 1 khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) được cấp lần gần nhất vào tháng 10/2022, đã hết từ đầu tháng 3.
Còn vaccine DPT (phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván) được cấp lần gần nhất vào tháng 2, hết từ đầu tháng 5. Đây là những vaccine do Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cung cấp định kỳ với số lượng căn cứ đăng ký về nhu cầu tiêm chủng của mỗi địa phương.
Mỗi tháng, TP HCM cần hơn 5.000-11.000 liều mỗi loại vaccine trên để tiêm miễn phí cho trẻ. Theo đại diện Sở Y tế, các loại vaccine khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng chỉ còn số lượng rất hạn chế, dự kiến hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm. Cụ thể, từ cuối tháng 5 đến tháng 9, thành phố sẽ hết lần lượt các loại vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản, lao (BCG), bại liệt (bOPV), sởi, uốn ván (VAT), sởi và rubella (MR).
Tại Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, cũng cho biết thủ đô đang thiếu các loại vaccine phục vụ tiêm chủng trong chương trình mở rộng cho trẻ. “Đây là tình trạng chung của tất cả tỉnh thành chứ không riêng gì thủ đô, do từ trước đến nay chỉ có một nguồn cung từ Bộ Y tế”, ông Tuấn nói, song không cho biết cụ thể số lượng vaccine thiếu.
Nhiều địa phương khác gặp tình trạng tương tự như Tiền Giang, An Giang, Quảng Ninh, Hà Giang, Bình Dương… Nửa năm nay, Hà Giang không có vaccine DPT-VGB-HiB để tiêm, còn vaccine DPT cũng hết 2 tháng.
“Người dân thành phố còn có tiền đi tiêm dịch vụ, trong khi đồng bào dân tộc, ở vùng cao, chỉ biết chờ đợi”, lãnh đạo CDC Hà Giang cho hay.
Vì sao thiếu vaccine miễn phí?
Những năm qua, từ ngân sách trung ương do Bộ Tài chính bố trí, Bộ Y tế mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau đó, vaccine được cấp phát đến các địa phương để tổ chức tiêm miễn phí cho trẻ. Tuy nhiên, việc gián đoạn cung ứng vaccine xảy ra từ mùa hè năm ngoái. Nguyên nhân do vướng một số thủ tục về quy định mua sắm, trong đó liên quan đến giá. Các nhà sản xuất vaccine cho biết “có sẵn vaccine trong kho, song không thể xuất hàng để phục vụ tiêm chủng”.
Tình trạng thiếu trở nên trầm trọng khi theo quy định mới, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua, đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Tức là địa phương sẽ tự mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng phục vụ nhu cầu của tỉnh thành.
Trong bối cảnh này, các địa phương kêu khó, do chưa triển khai lần nào, chưa tìm được nguồn cung và cũng lo giá mua chênh lệch. Nhiều tỉnh thành đề xuất phương án Bộ Y tế nên tiếp tục đứng ra mua sắm, tiền mua sẽ do địa phương chi trả.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết điều này không khả thi, đề nghị các Sở Y tế xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm, không để thiếu thuốc, vaccine.
Trong cuộc họp ngày 11/5, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế quay lại triển khai đấu thầu, gỡ vướng việc thiếu vaccine. Một ngày sau, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương gửi công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương đăng ký nhu cầu vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng. “Như vậy, có thể hiểu việc đấu thầu, mua sắm vaccine vẫn do Bộ Y tế chủ trì”, một chuyên gia tiêm chủng nói.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, cho biết hiện tỉnh đã gửi đăng ký nhu cầu vaccine đến Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Theo đó, địa phương này đăng ký số lượng vaccine cho năm 2023 và dự trù thêm 6 tháng của năm 2024.
“Bộ Y tế sẽ đứng ra mua sắm vaccine, sau đó tỉnh chuyển kinh phí lấy ra từ ngân sách chi cho vaccine trả”, ông Diện nói.
Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM và Hà Giang cũng cho biết đã gửi dự trù vaccine Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong những tháng còn lại của năm 2023 và dự trữ trong 6 tháng đầu năm 2024 để được cung ứng như trước.
Tiêm chủng Mở rộng là chương trình tiêm chủng quốc gia, miễn phí, bảo vệ trẻ khỏi mắc một số loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib.
Khi không có vaccine tiêm chủng mở rộng, người dân tìm đến tiêm dịch vụ gây tốn kém. Số khác phải chờ đợi, nguy cơ mắc bệnh do không được tiêm đúng lịch. Mặt khác, khi miễn dịch từ vaccine suy yếu, nguy cơ bệnh bùng phát trên diện rộng xảy ra, đe dọa hệ thống y tế cũng như tính mạng người dân.
Hiện, Bộ Y tế chưa phản hồi về tình trạng thiếu vaccine cũng như kế hoạch mua sắm vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng tới đây.
Lê Nga – Mỹ Ý