Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát do có nhiều ca mắc, việc thực hiện mua sắm của các bệnh viện theo quy định gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội.
Các đại biểu Nguyễn Hữu Thông và Nguyễn Lân Hiếu lo ngại khi các bệnh viện có thể phải ra tòa vì chậm thanh toán nợ đọng liên quan phòng chống dịch Covid-19 do chưa có hướng dẫn
Các đơn vị y tế phải “mượn hàng” vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, đến nay chưa thanh toán do vướng thủ tục. Cử tri đã kiến nghị cơ quan chức năng có hướng dẫn thanh toán nợ cho các đơn vị trong việc thực hiện mua, mượn nợ trang thiết bị vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm. Riêng tại tỉnh Bình Thuận, số tiền nợ hiện nay hơn 91 tỉ đồng.
Theo ông, dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99 về giám sát chuyên đề này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay, Chính phủ và Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành.
“Cơ sở y tế địa phương đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong trả nợ, “chủ nợ thì mòn mỏi chờ, còn con nợ thì mòn mỏi chờ hướng dẫn”, đại biểu Thông nêu, và đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm có hướng giải quyết vấn đề này.
Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, đây là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà còn của đại đa số các tỉnh, thành có đại dịch bùng phát. Tình trạng này diễn ra không chỉ đối với vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, đồ giặt, ô xy, khí nén…
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tháo gỡ nhưng theo đại biểu Lân Hiếu cho rằng “chỉ như vậy là chưa đủ”. Theo ông, Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc, chỉ đạo cho địa phương tự thực hiện rà soát nhưng luôn kèm theo một câu là “thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, như vậy “mọi việc sẽ đứng yên một chỗ”.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng dẫn thực tế tại đây đã “tồn đọng nợ quá lâu không có cách nào chi trả được, quá năm tài khoá, thậm chí bị đưa ra tòa xử và chắc chắn bệnh viện sẽ bị xử thua vì dùng dụng cụ, đồ đạc của người ta”. Do đó, bệnh viện phải trả tiền cùng với lãi suất ngân hàng.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về một số vướng mắc mặt hàng cụ thể, hay sử dụng chống dịch. Các địa phương cần hỗ trợ quyết liệt ngành y tế bằng nghị quyết của HĐND, giải quyết dứt điểm vấn đề tồn tại sau đại dịch để ngành y tế yên tâm thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Bệnh nhân phải xin giấy chuyển viện rất mệt mỏi
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là “rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi”.
Trong khi đó, công nghệ thông tin đã tiến bộ, việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông. Hơn 93% dân số Việt Nam đã có bảo hiểm y tế (BHYT) thì việc có thêm “barie đi xin giấy chuyển viện rất nên được bãi bỏ”.
Do đó, ông đề nghị đẩy mạnh tiến hành trình thông tuyến, thực chất hơn nữa và trong lần sửa đổi luật BHYT sắp tới làm sao để người có BHYT muốn khám chữa bệnh ở đâu cũng được phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám, chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc…
Về tổng mức thanh toán hay giới hạn chi quỹ BHYT của cơ sở khám, chữa bệnh trong thời gian một năm, đã được điều chỉnh bằng Nghị định 75/2023 của Chính phủ. Theo đó, các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT sẽ được thanh toán theo nhu cầu thực tế, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ nào, thuốc, hóa chất, vật tư gì sẽ được thanh toán thứ đó.
Cho rằng việc ban hành nghị định này đã chấm dứt sự phiền hà trong công tác khám, chữa bệnh đã dùng dằng nhiều năm qua, song đại biểu Trí cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục giám sát, thúc đẩy để nội dung nghị định triển khai thực chất, không bị biến chất.