Không phải cứ nhức đầu, sổ mũi, sốt là bị cúm. Có những triệu chứng bệnh tương tự nhưng không phải cúm. Cách phân biệt các bệnh dễ nhầm lẫn với cúm ra sao?
Các trường hợp bị sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ thể, ho, sổ mũi... có triệu chứng rất giống cúm nhưng thực chất lại không phải mắc cúm mùa.
Bệnh không phải cúm
Thứ nhất là cảm, hay cảm lạnh.
"Người anh em" này có nhiều điểm chung với cúm như sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi. Tuy nhiên, cảm lạnh thường không gây sốt cao và đau nhức cơ thể dữ dội như cúm.
Thứ hai là viêm họng do vi khuẩn. Bệnh này khiến bạn đau rát họng, khó nuốt, ho khan hoặc có đờm. Đôi khi viêm họng cũng gây sốt nhẹ và đau đầu, dễ bị nhầm lẫn với cúm.
Thứ ba là COVID-19. Người bệnh bị sốt, ho, đau họng, mất vị giác và khứu giác... Một số trường hợp COVID-19 cũng có thể gây đau đầu, đau cơ, mệt mỏi tương tự như cúm.
Nên dựa vào các triệu chứng và diễn tiến của bệnh sẽ thấy sự khác nhau.
Cúm: Sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, đau mỏi cơ bắp toàn thân, ho khan, mệt mỏi rã rời là những triệu chứng điển hình của cúm.
Cảm lạnh: Thường có các triệu chứng nhẹ nhàng hơn như sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi.
Viêm họng: Đau rát họng là triệu chứng nổi bật nhất, kèm theo ho và có thể sốt nhẹ.
COVID-19: Ngoài các triệu chứng hô hấp, COVID-19 còn có thể gây mất vị giác và khứu giác, khó thở...
Trường hợp nào nên tiêm vắc xin phòng cúm?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho hay tiêm vắc xin cúm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm nguy cơ diễn biến nặng khi mắc cúm.
Trong đó, những người lớn tuổi; người có các bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch, hô hấp, béo phì; người suy giảm miễn dịch hoặc ghép tạng là những người có nguy cơ diễn biến nặng cao hơn khi mắc cúm. Vì vậy, đây sẽ là nhóm đối tượng nên ưu tiên thực hiện chủng ngừa hơn.
"Do vi rút cúm có khả năng thay đổi kháng nguyên thường xuyên nên các nhà sản xuất phải căn cứ vào xu thế thay đổi kháng nguyên của vi rút cúm để sản xuất ra các lô vắc xin phù hợp với mỗi mùa cúm hằng năm. Vì vậy vắc xin cúm được khuyến cáo tiêm hằng năm, nhất là ở đối tượng nguy cơ cao", bác sĩ Cấp thông tin.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cũng cho rằng người có nguy cơ cao cần tiêm vắc xin phòng cúm mùa hằng năm.
Vì cúm mùa xảy ra theo mùa nên bà con tiêm vắc xin cúm trước mùa cúm, thường là mùa đông - xuân ở miền Bắc và quanh năm ở miền Nam, để cơ thể có đủ thời gian tạo kháng thể bảo vệ chống lại bệnh cúm.
Thông thường phải mất khoảng 2-3 tuần sau khi tiêm phòng cúm thì cơ thể mới có đủ lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ chống lại vi rút cúm. Khả năng bảo vệ của vắc xin cúm đạt mức cao nhất khoảng 2-3 tuần sau khi tiêm, có thể kéo dài từ 6 -12 tháng, vì vậy mỗi năm chỉ tiêm một lần là đủ.
Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền, phụ nữ có thai cần tiêm vắc xin ngừa cúm. Một số trường hợp không nên tiêm vắc xin cúm là người có tiền sử dị ứng với vắc xin hoặc đang bị sốt cao.
Khi nào mới cần dùng thuốc kháng vi rút?
Đối với thuốc kháng vi rút, có hai nhóm người cần dùng thuốc này là những người có nguy cơ biến chứng cao như trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính...
Thuốc kháng vi rút không phải là thuốc phòng bệnh, nó chỉ có tác dụng khi đã mắc bệnh hoặc sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Sử dụng thuốc phải sớm trước 48 giờ, đúng liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng tránh cúm bằng cách giữ ấm cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên. Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. Ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng. Hạn chế tiếp xúc nơi đông người... cũng giúp giảm nguy cơ mắc cúm.
Hay nhầm với cảm lạnh
Theo PGS Đỗ Duy Cường (giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai), cảm lạnh là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi, còn cúm lại là một bệnh do tác nhân là vi rút cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở... và có thể gây biến chứng nguy hiểm, cần phải điều trị.
Bị cúm thường sốt cao (38 - 400C) hoặc ớn lạnh, đau đầu, đau cơ toàn thân, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi kéo dài, có thể kèm buồn nôn (ở trẻ em). Có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy cần nghĩ đến nguy cơ mắc bệnh cúm.
Các trường hợp nặng có thể tiến triển đến các triệu chứng như khó thở, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp. Với các trường hợp nặng, có thể cần can thiệp hỗ trợ hô hấp trong vòng ít nhất 48 giờ. Biểu hiện của cúm mùa sẽ từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào độ tuổi, bệnh đi kèm, tình trạng chủng ngừa, khả năng miễn dịch tự nhiên đối với vi rút.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dung-cu-benh-gi-cung-do-cho-cum-20250211082637104.htm
Bình luận (0)