Hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2024, nhiều chủ vườn mai ở TPHCM chi tiền triệu để thuê người làm thời vụ đến lặt lá mai. Đây là công việc bắt buộc của người trồng mai để hoa nở đúng thời điểm Tết.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, có khoảng 20 người làm công việc lặt lá mai tại vườn mai Tư Sang (huyện Hóc Môn). Được biết, hầu hết họ là những người lao động trong vùng làm công việc thời vụ để kiếm thêm thu nhập.
Công việc bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc chiều muộn, những người này sẽ được chủ vườn trả từ 350.000 – 500.000 đồng/ngày.
Công việc này tuy nhẹ nhàng thế nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao để khi lặt lá không bị gãy cành, rụng nụ hoa.
Đối với những cây cao trên 2m, người lặt mai phải dùng đến những chiếc thang để đứng mới có thể lặt hết lá ở ngọn.
Anh Nguyễn Hoàng Sang (43 tuổi, chủ vườn mai Tư Sang) cho biết gần đây trên thị trường có loại thuốc phun để cây tự rụng lá, làm như vậy sẽ tiết kiệm được tiền thuê người lặt lá nhưng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, sức khỏe của cây. Với hơn 1.000 cây mai trong vườn, phun thuốc để lá tự rụng chỉ tốn khoảng 1 triệu đồng, tuy nhiên anh Sang vẫn chọn phương án thuê người lặt lá với chi phí hơn 10 triệu đồng cho toàn bộ vườn mai của mình.
“Mình buôn bán đặt cái tâm lên hàng đầu, cây sau khi bán cho khách chơi Tết phải đảm bảo để năm sau, năm sau nữa cũng có thể chơi được. Hơn nữa, năm nào đến dịp gần Tết, hàng xóm của tôi cũng lại đây để hỏi xin lặt lá mai, mình cũng tạo điều kiện để người ta làm, kiếm thêm ít tiền tiêu Tết”, anh Sang chia sẻ.
Mỗi chậu mai lớn thường có từ 2 đến 4 người làm, mất khoảng từ 15 đến 30 phút để lặt xong một chậu mai.
“Tôi làm công việc này hơn 20 năm nay, hơn 70 tuổi rồi mà vẫn có việc để làm kiếm ra tiền thì quá vui”, bà Tống Ngọc Lại (71 tuổi) nói.
Để có thời gian nghỉ trưa, đa số người làm ở đây ai cũng mang cơm nhà theo để ăn. “Tôi nấu cơm ở nhà từ đêm qua rồi mang theo để ăn trưa, ăn xong nghỉ ngơi rồi vào làm việc tiếp”, chị Trương Thị Diễm (48 tuổi) cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ (58 tuổi) cho biết làm nghề thời vụ hơn 20 năm nay, cứ đến dịp cận Tết, bà lại đi hết vườn mai này đến vườn mai khác để xin lặt lá thuê. Sau Tết, bà Lệ tiếp tục đi làm thuê tại cơ sở sản xuất thuốc lào.
“Nghề này là vậy, ai thuê gì làm đó, cứ có tiền mà không vi phạm pháp luật thì tôi làm thôi. Chứ giờ tuổi này, biết làm gì để kiếm ra tiền được nữa”, bà Lệ nói.
Còn tại vườn mai Sáu Hải (TP Thủ Đức), năm nay do kinh tế khó khăn nên chủ vườn chỉ thuê 10 người để lặt lá mai.
Ông Huỳnh Văn Hải (chủ vườn mai Sáu Hải) cho biết, do kinh tế khó khăn, giá mai giảm hơn 30% so với mọi năm nên nhà vườn chỉ thuê những người quen, hàng xóm để lặt lá. Năm ngoái, vườn mai nhà ông Hải phải thuê 30-40 người mới làm xong việc
Để hoa mai nở đúng dịp Tết, những người làm thuê ở vườn ông Hải phải tăng cường làm việc vào ban đêm.
Thông thường, nghề lặt lá mai chỉ kéo dài vài ngày cho đến một tuần. Do thời tiết ở TPHCM nắng nóng nên công việc này thường diễn ra khá muộn. Ở một số địa phương có thời tiết mát mẻ, công việc này thường được bắt đầu vào cuối tháng 11.