Nhà thơ Hiền Mặc Chất là thi sĩ tài hoa của đất chè Thái Nguyên. Ông có khoảng 100 bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và để lại cho người thưởng thức ấn tượng khó quên. Không phải người Thái Nguyên nhưng trong các tác phẩm của ông, đề tài về mảnh đất này khá nhiều. Nhân dịp đầu Xuân mới, chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị với ông về thơ, về mảnh đất Thái Nguyên - nguồn cảm hứng bất tận để ông sáng tạo.
Nhà thơ Hiền Mặc Chất có nhiều tác phẩm thơ về đề tài đất và người Thái Nguyên. |
P.V: Xin chào nhà thơ Hiền Mặc Chất - “cha đẻ” của Người đẹp Thái Nguyên, Sơn nữ dâng trà, Trăng Phú Đình và rất nhiều tác phẩm nổi tiếng khác, con đường nào đã đưa ông đến với thơ ca?
Nhà thơ Hiền Mặc Chất: Tôi đến với thơ từ truyện nôm khuyết danh, từ những câu chuyện dân gian, những câu ca dao trong lời ru của mẹ. Từ nhỏ tôi đã được nghe ca dao, cổ tích. Ca dao, cổ tích của dân tộc mình dung dị, dễ nhớ, mộc mạc nhưng sang trọng, mãnh liệt nhưng cũng đằm thắm, thiết tha. Ca dao ngấm vào tôi, ám ảnh tôi, thôi thúc tôi đến với thơ. Ca dao của dân tộc mình phong phú và đa dạng lắm.
Tôi làm thơ từ ngày còn đi học nhưng không có ý định trở thành nhà thơ. Tôi là dân tài chính kế hoạch nhưng lại trót mê thơ. Tôi làm thơ để nói lên những điều mình nghĩ và tôi xây dựng hình tượng thơ bằng chất liệu ngôn ngữ dân gian để gửi gắm vào đó ý nghĩa của lịch sử, huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích, đó là những dấu ấn văn hóa mang hồn thiêng non sông đất nước mình.
P.V: Hoa hái dâng người đẹp, người đẹp Thái Nguyên ơi..., nhiều người nằm lòng ca từ của Người đẹp Thái Nguyên nhưng thi sĩ đã viết bài thơ này trong hoàn cảnh nào thì ít được biết.
Nhà thơ Hiền Mặc Chất: Năm 1992 tôi viết Người đẹp Thái Nguyên. Thời điểm đó nhạc sĩ Cao Khắc Thùy lên Thái Nguyên công tác, trong một buổi làm việc với đội ngũ văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhạc sĩ Cao Khắc Thùy có hỏi ai viết được lời cho ca khúc về Thái Nguyên. Lúc đó Chủ tịch Hội là nhà thơ Hà Đức Toàn có giới thiệu: Viết lời cho ca khúc thì kia, nhà thơ Hiền Mặc Chất.
Sau cuộc gặp gỡ đó, tôi viết Người đẹp Thái Nguyên trong một tuần, tứ thơ như đã có sẵn trong đầu nên tôi viết theo cảm xúc và nhạc sĩ Cao Khắc Thùy đã phổ nhạc bài thơ này. Tháng 10-1992, kỷ niệm ngày thành lập TP. Thái Nguyên (19-10), tác phẩm được phát sóng và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của công chúng.
P.V: Lời từ trong câu lượn/ lời từ trong câu sli/ rì rầm trong cổ tích, chảy về quê hương mình… Tại sao bài thơ lại bắt đầu từ lượn, từ sli và lại có tên là Người đẹp Thái Nguyên thưa nhà thơ?
Nhà thơ Hiền Mặc Chất: Sli, lượn đã gắn chặt với đồng bào miền núi trong sinh hoạt lễ nghi và sinh hoạt gia đình, nó là vốn quý của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng và của chúng ta nói chung. Sli, lượn như nhập vào con người Hiền Mặc Chất nên khi viết tôi đã bắt đầu từ sli và lượn.
Trong một mạch cảm xúc tuôn trào, ca từ cứ theo nhau hiện ra, dẫn dắt nhau tạo nên chỉnh thể bài thơ. Cũng có người hỏi tôi rằng sao bài thơ lại có tên là Người đẹp Thái Nguyên trong khi thơ có tả gì về người đẹp đâu. Đúng là câu từ không tả người đẹp nhưng tôi viết bài thơ này để gợi nên niềm tự hào về văn hóa Thái Nguyên về sự giàu đẹp của mảnh đất Anh hùng, về vẻ đẹp của con người Thái Nguyên.
Các tập thơ đã được xuất bản của nhà thơ Hiền Mặc Chất. |
P.V: Nhà thơ đã có nhiều tác phẩm được phổ nhạc và đều là những tác phẩm để lại ấn tượng với người nghe. Có thể nói cuộc “hôn phối” thơ Hiền Mặc Chất và nhạc là cuộc “hôn phối” thành công. Nhà thơ có bí quyết nào muốn chia sẻ với bạn đọc?
Nhà thơ Hiền Mặc Chất: Cũng không ít người hỏi tôi câu đó, rằng chắc hẳn tôi phải có bí quyết gì mới có tới hàng trăm bài thơ được phổ nhạc, mà lại là các nhạc sĩ nổi tiếng. Tôi chia sẻ rất thật là không có bí quyết gì, tuy nhiên có lẽ vì thơ tôi ảnh hưởng ca dao trong lời ru của mẹ như tôi đã nói nên thơ gợi giai điệu cho nhạc.
Năm 2014, có một sinh viên lớp cử nhân văn K9, Trường Đại học khoa học (Đại học Thái Nguyên), làm đề tài nghiên cứu: Tính nhạc trong thơ Hiền Mặc Chất. Trong đó có nói đến sự hòa phối thanh điệu, cách gieo vần, cách ngắt nhịp trong thơ của tôi. Các nhạc sĩ đã nhìn thấy tính nhạc trong đó và phổ nhạc cho thơ tôi. Nhạc đã chắp cánh cho thơ tôi bay cao, bay xa hơn.
P.V: Không phải người Thái Nguyên nhưng sáng tác nhiều bài thơ về Thái Nguyên và bài nào cũng sâu nặng nghĩa tình, nhà thơ lý giải thế nào về mối lương duyên của mình với mảnh đất nửa đồng, nửa núi này?
Nhà thơ Hiền Mặc Chất: Tôi không phải người Thái Nguyên nhưng có duyên với Thái Nguyên. Năm 1979, khi tôi đang làm việc ở Cục Thống kê tỉnh Sơn La thì có gặp một đồng chí cán bộ của Thái Nguyên là Hà Nhân Thăng lên Sơn La làm việc. Biết tôi có khả năng làm thơ, biết vợ tôi đang làm việc tại Thái Nguyên, đồng chí Hà Nhân Thăng đã xin cho tôi về công tác tại Ủy ban kế hoạch (sau đổi là Sở kế hoạch - Đầu tư) tỉnh Bắc Thái. Tôi gắn bó với Thái Nguyên từ đó.
Thái Nguyên là vùng đất được thiên nhiên ưu ái với nhiều thắng cảnh đẹp, là mảnh đất của lịch sử từ Khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Người Thái Nguyên nồng hậu, chân tình, là niềm cảm hứng thi ca của nhiều tác giả và tôi cũng không phải ngoại lệ. Đất và người Thái Nguyên đã cuốn hút tôi, nhập vào tôi. Dù không sinh ra ở Thái Nguyên nhưng vùng đất này đã nuôi dưỡng tiếng thơ tôi.
P.V: Vâng, đất chè đã nuôi dưỡng tiếng thơ tài hoa, cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện thú vị này và chúc cho mùa Xuân thứ 83 của nhà thơ vẫn luôn tươi mới, rộn ràng.
Nhà thơ Hiền Mặc Chất sinh ngày 19/12/1942 tại xã Việt Long, huyện Đa Phúc, tỉnh Phúc Yên, nay là huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Ông đã xuất bản các tập thơ: Trăng mười sáu (Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, năm 1991); Rừng hoang (Nhà xuất bản Văn học, năm 1993); Mặc nhiên (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2005); Men rừng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2006). Ngoài ra, ông có nhiều tác phẩm thơ được phổ nhạc thành công, như: Người đẹp Thái Nguyên (nhạc Cao khắc Thùy); Hoa lộc vừng hồ Gươm, Trăng Phú Đình (nhạc Doãn Nho); Trăng về phố, Tình ca Tân Cương (nhạc Lê Mây); Sơn nữ dâng trà (nhạc Hoàng Chí Bình)… |
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202502/nha-tho-hien-mac-chat-dat-che-nuoi-duong-tieng-tho-toi-19c1d00/
Bình luận (0)