Nhà phát minh Granville T. Woods từng thắng Edison trong vụ kiện về bằng sáng chế cho hệ thống điện báo cảm ứng giúp cách mạng hóa ngành vận tải.
Granville T. Woods là nhà phát minh người da đen thành công nhất cuối thế kỷ 19. Woods được coi là kỹ sư điện và cơ khí người Mỹ gốc Phi đầu tiên sau cuộc Nội chiến Mỹ (1861 – 1865) và được so sánh với các nhà phát minh nổi tiếng khác như Thomas Edison, George Westinghouse và Frank Sprague.
Năm 1887, Woods nhận bằng sáng chế cho điện báo cảm ứng, công nghệ giúp truyền tin giữa các đoàn tàu đang chạy và ga tàu. Phát minh của ông là một cải tiến rất cần thiết cho hệ thống liên lạc vào thời điểm đó, vốn chậm, kém chất lượng và có thể dẫn đến những vụ va chạm tàu.
Không lâu sau khi Woods có bằng sáng chế, Edison kiện Woods, cho rằng mình đã tạo ra công nghệ điện báo tương tự trước nên phải được cấp bằng sáng chế này. Cuối cùng, Woods giành chiến thắng, nhưng phải trả giá đắt về tài chính và những phương diện khác.
“Cuộc đời của Woods – đôi khi gần với cơn ác mộng hơn là giấc mơ Mỹ – thể hiện rõ thực tế khắc nghiệt của việc làm một nhà phát minh người da đen vào cuối thế kỷ 19”, nhà sử học Rayvon Fouché viết trong cuốn sách Black Inventors in the Age of Segregation: Granville T. Woods, Lewis H. Latimer and Shelby J. Davison xuất bản năm 2003. Trớ trêu là Woods lại được báo chí mệnh danh là “Edison da đen” vì những đóng góp của ông cho khoa học.
Granville T. Woods và những phát minh
Woods sinh ra tại Columbus, bang Ohio, năm 1856. Khi lên 10 tuổi, ông phải nghỉ học vì cha mẹ không thể trả học phí cho các con. Woods trở thành thợ học việc tại một cửa hàng đường sắt. Điều này tạo tiền đề cho sự nghiệp kỹ sư của ông.
Woods có tới gần 60 bằng sáng chế mang tên mình. Các phát minh của ông giúp cách mạng hóa ngành vận tải, trong đó có Dead Man’s Handle – một loại phanh tự động giúp tàu chạy chậm lại khi người lái không thể. Woods cũng được cấp bằng sáng chế cho một phát minh dẫn đến sự ra đời của “đường ray thứ ba”, một công cụ trọng yếu cung cấp điện cho tàu hỏa để chúng di chuyển, theo Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ (USPTO) và bảo tàng Đại sảnh Danh vọng Nhà phát minh Quốc gia Mỹ.
Một số nhà viết tiểu sử cho biết, Woods nói chuyện và ăn mặc thanh lịch, thường mặc đồ toàn màu đen. Đôi khi ông tự nhận mình là người nhập cư từ Australia, có lẽ nhằm lấy được nhiều sự tôn trọng hơn thay vì nói mình là người Mỹ gốc Phi.
Cuộc chiến pháp lý với Edison
Hệ thống điện báo đường sắt đa kênh đồng bộ, cho phép truyền tin liên tục giữa các chuyến tàu, là một trong những phát minh quan trọng nhất của Woods. Tuy nhiên, trước khi nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, Woods mắc bệnh đậu mùa và phải nằm liệt giường suốt nhiều tháng. Khi hồi phục, Woods bị sốc khi biết rằng một nhà phát minh khác, Lucius Phelps, đã được công nhận là người tạo ra một phiên bản của hệ thống điện báo cảm ứng.
Woods cẩn thận sử dụng các ghi chú, bản phác thảo và một mô hình hoạt động được của phát minh để chứng minh rằng mình bắt đầu phát triển công nghệ này trước và thành công lấy được bằng sáng chế vào năm 1887.
Nhưng cuộc chiến về bằng sáng chế vẫn chưa kết thúc. Sau đó, Edison kiện Woods, không chỉ một mà đến hai lần, và cho rằng mình đã phát minh ra máy điện báo cảm ứng trước tiên. Woods đã thắng cả hai vụ kiện. Theo một số nhà sử học, Edison mời Woods làm việc tại Công ty Edison, nhưng Woods từ chối.
Những thách thức khi là nhà phát minh da đen
Cuối cùng, Woods phải bán một số bằng sáng chế và thiết bị cho Edison và các nhà tư bản công nghiệp khác, cũng như một số công ty bao gồm Westinghouse, General Electric, American Engineering. Theo các nhà sử học, quyết định bán những bằng sáng chế mà Woods vất vả giành được cho thấy rất khó để quảng bá phát minh của người Mỹ da đen cho người mua – phần lớn là người da trắng.
“Giống như đa số nhà phát minh da đen vào thời đó, Woods đã phải thừa nhận rằng chủng tộc của nhà phát minh ảnh hưởng đến giá trị thị trường của phát minh đó”, Michael C. Christopher, nhà nghiên cứu tại Đại học Texas Austin, viết trên tạp chí Journal of Black Studies.
Một số người mua phát minh của Woods đã không trả cho ông một cách xứng đáng, hoặc không ghi nhận đóng góp của ông. Đôi khi, các nhà phát minh mất toàn bộ quyền đòi hỏi với phát minh của mình sau khi bán và không nhận được chút lợi nhuận nào.
Woods qua đời vì xuất huyết não năm 1910, trong cảnh nghèo túng và gần như bị lãng quên suốt nhiều thập kỷ. Đến năm 2006, ông mới được đưa vào vào Đại sảnh Danh vọng Nhà phát minh Quốc gia Mỹ.
Thu Thảo (Theo Business Insider)