Ngày 18/12/2024, Hội Sáng chế Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở và sáng chế phục vụ phát triển ngành y dược, công nghệ sinh học Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã đề xuất những ý tưởng, mong muốn tăng cường sự hợp tác với doanh nghiệp để những sáng chế được ứng dụng hiệu quả trong đời sống. Trong đó, có thể kể tới sáng chế Phức hệ nano SCP có khả năng diệt khuẩn trong các cơ sở y tế của TS Trần Thị Ngọc Dung – Trưởng phòng Công nghệ môi trường, Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Hay một sáng chế khác cũng từ phức hệ nano bạc, sử dụng trong chăm sóc, điều trị vết thương cho bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân tiểu đường bị các vết thương loét, đó là dung dịch rửa vết thương và đắp vết thương…
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang chứng kiến những bước tiến quan trọng trong phát triển khoa học và công nghệ, tuy nhiên, việc ứng dụng các sáng chế vào thực tiễn đời sống vẫn đang là bài toán khó. Những rào cản như chi phí đầu tư, thiếu đối tác doanh nghiệp phù hợp và chưa có lộ trình, kế hoạch rõ ràng để đưa sáng chế ra thị trường là những vấn đề chính yếu. Vì thế, để các nghiên cứu khoa học không bị “chôn vùi” trong các bài báo hay tài liệu hội thảo, cần có sự kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp để biến những sáng chế trở thành sản phẩm hữu ích trong đời sống.
PGS.TS Kim Bảo Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, Nhà trường đang tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực sáng chế y học. Trong tương lai, Nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu để đảm bảo các sáng chế có thể ứng dụng nhanh chóng và hiệu quả.
Ông Vũ Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam nhấn mạnh, sự phối hợp giữa nhà khoa học và doanh nghiệp là chìa khóa để giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận của người bệnh đối với các sáng chế trong nước. Thông qua sự kết nối này, doanh nghiệp không chỉ giúp đưa sáng chế đến gần hơn với người dùng mà còn tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp không chỉ giải quyết bài toán ứng dụng khoa học vào đời sống, mà còn góp phần tăng cường sự phát triển bền vững cho kinh tế – xã hội.
Theo Tạp chí Khoa học & Công nghệ
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/ket-noi-nha-khoa-hoc-voi-doanh-nghiep-chia-khoa-vang-dua-sang-che-vao-doi-song/20241220102443468