Đau đáu khát vọng đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình mở cửa đất nước.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan từ trần lúc 7h05 ngày 21/6 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. Sinh thời, ông thường nói, “Việt Nam phải ra biển lớn, muốn ra biển lớn thì phải mạnh, hiểu luật chơi quốc tế, biết mình, biết người”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xúc động kể lại câu chuyện hồi cuối năm 2001, khi cùng đoàn Việt Nam sang Mỹ ký kết các văn bản để hoàn tất hiệp định thương mại tự do Việt – Mỹ (BTA). Bà nhớ, trong tiệc chiêu đãi ở Washington, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan được mời lên phát biểu.
Ông bước lên, cười rất tươi và dí dỏm kể: “Đêm qua tôi có một giấc mơ. Tôi mơ thấy các bạn Mỹ ở đây hôm nay sẽ mặc áo sơ mi may tại Việt Nam, ăn món tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang, uống cafe, trà ngon từ Việt Nam”. Cả khán phòng ngạc nhiên, thích thú rồi vỗ tay tán thưởng. Những người bạn Mỹ vui vẻ đáp lại rằng “giấc mơ ấy chắc chắn sẽ nhanh chóng thành hiện thực”.
Thúc đẩy Việt Nam hội nhập quốc tế
Sau năm 1975, Việt Nam bước ra khỏi hai cuộc chiến tranh với khó khăn chồng chất và bị bao vây, cấm vận kinh tế. Khi đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đóng vai trò là cầu nối thiết lập những mối quan hệ đầu tiên để Việt Nam mở cửa với thị trường thế giới.
“Những mối quan hệ của thời kỳ đầu manh nha mở cửa đều có dấu ấn của nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, khi đó công tác tại Bộ Ngoại giao”, bà Phạm Chi Lan nhớ lại.
Năm 1976, những người Mỹ đầu tiên tiếp cận VCCI để tìm hiểu nền kinh tế Việt Nam sau chiến tranh và tiềm năng phát triển thương mại. Năm 1982, tập đoàn Samsung bắt đầu tìm hiểu để vào Việt Nam. Khi được hỏi ý kiến, ông Vũ Khoan đã ủng hộ ngay. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc sau đó đã xuất hiện và đầu tư tại Việt Nam.
Trên cương vị Thứ trưởng Ngoại giao, ông Vũ Khoan cũng là người chuẩn bị các thủ tục để Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995, ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của đất nước.
Theo bà Phạm Chi Lan, ông Vũ Khoan luôn đề cao quan điểm lấy lợi ích kinh tế làm điểm chung giữa các bên để gác lại quá khứ, hợp tác với nhau. “Ông Khoan nhìn thấy rõ tiềm năng lợi ích kinh tế khi hợp tác với từng nước chứ không chỉ dùng con đường thương mại làm kênh phụ để thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông đã chứng minh được lợi ích kinh tế để thuyết phục cả những người chưa đồng thuận phía Việt Nam và đối tác”, bà Lan nói.
Năm 2000, khi làm Bộ trưởng Thương mại, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên ông Vũ Khoan được giao là hoàn tất đàm phán để ký kết BTA. BTA được ký vào năm đó là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mở toang cánh cửa để hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường lớn nhất thế giới.
“BTA dựa trên nền tảng các nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nên giúp Việt Nam đẩy nhanh đàm phán gia nhập WTO”, bà Lan nói, cho rằng đây là đóng góp lớn của ông Vũ Khoan.
Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO từ năm 1995 và bắt đầu quá trình chuẩn bị, đàm phán cam go kéo dài 11 năm. Từ khi làm Bộ trưởng Thương mại và Phó thủ tướng từ năm 2002, ông Vũ Khoan coi gia nhập WTO là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2005, Việt Nam vẫn chưa được vào WTO khiến nhiều người lo lắng, thậm chí cho rằng chiến thuật đàm phán sai lầm.
Bên hành lang Quốc hội khi đó, Phó thủ tướng Vũ Khoan cho biết Việt Nam cố gắng tối đa nhưng không phải bằng mọi giá để vào WTO. Việt Nam không thể chấp nhận những việc không làm được và những điều có khả năng làm đổ vỡ nền kinh tế, chỉ chấp nhận những cam kết có thể thực thi. “Đàm phán với một nước đã mỏi mệt, với 28 nước càng không dễ. Khi mình muốn đàm phán thì anh này bận, anh kia lại bảo tôi không có thì giờ”, ông kể.
Năm 2006, sau nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, Việt Nam hoàn tất đàm phán gia nhập WTO. Đại sứ Vũ Hồ, con trai ông Vũ Khoan đánh giá WTO là cánh cổng lớn để Việt Nam bước vào hội nhập với thế giới.
Không chỉ thúc đẩy hợp tác quốc tế, ông Vũ Khoan còn nỗ lực sửa đổi hệ thống luật pháp trong nước về kinh tế, thương mại theo các tiêu chuẩn của WTO. Nếu như giai đoạn trước, mỗi năm Quốc hội chỉ thông qua được 5-6 dự án luật, thì đến 2002-2005, mỗi năm Quốc hội thông qua hoặc sửa đổi từ 20-25 luật.
“Đóng góp của ông Vũ Khoan không chỉ là nỗ lực đưa Việt Nam gia nhập WTO mà còn giúp Việt Nam xây dựng thể chế mới tương thích với nền kinh tế thị trường”, bà Phạm Chi Lan nhận định.
Nhà ngoại giao xuất sắc
Sinh năm 1937 tại Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), cuộc đời ông Vũ Khoan gắn liền với tinh thần tự học để trở thành nhà ngoại giao xuất sắc. Năm 1954, khi chưa học xong lớp 7, ông được cử sang Liên Xô học tiếng Nga. Học được 9 tháng, ông được điều ra Đại sứ quán làm phiên dịch.
Năm 1964, khi đang học Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO), chưa kịp tốt nghiệp, ông lại được điều về nước công tác. Sự nghiệp ngoại giao của ông khởi đầu ở phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao, dịch cho lãnh đạo bộ, các vụ, phục vụ các đoàn.
Ông Khoan từng tự nhận, nếu tính cả thời gian sang Bộ Thương mại làm ngoại giao kinh tế thì ông trọn đời làm ngoại giao. “Tôi trưởng thành lên vì đã được giao những công việc khó và đòi hỏi cao”, ông từng viết.
Theo nguyên đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai, ông Vũ Khoan là nhà ngoại giao có nhiều đóng góp về nghiên cứu, lý luận, thực tiễn. Những cuộc đàm phán lớn của Việt Nam như hiệp định Paris, gia nhập ASEAN, WTO, BTA… đều có dấu ấn của ông Khoan. “Đây là những cuộc đàm phán rất khó khăn mà ông Vũ Khoan với tư tưởng cởi mở đã góp phần xử lý thành công các vấn đề phức tạp, góp phần đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế”, ông Khai nhìn nhận.
Nguyên đại sứ kể hồi tháng 5, trước khi nhập viện điều trị, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan gọi ông hỏi về tình hình Trung Đông để hoàn thành bài viết. “Đến những ngày cuối cùng, ông vẫn tâm huyết với thời cuộc và vấn đề quốc tế”.
Đại sứ Vũ Hồ nói nghề ngoại giao đặc thù và thách thức, nhưng cha ông – nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã tìm được điểm hài hòa giữa các tầng quan hệ là quốc gia, khu vực, quốc tế. “Tôi nghĩ đây là đóng góp lớn của cụ, nhất là trong bối cảnh quốc tế phức tạp, đầy mâu thuẫn lợi ích. Cụ có tầm nhìn đối ngoại sâu rộng và luôn đặt mục đích cao nhất là mang lại lợi ích cho đất nước”, đại sứ Vũ Hồ nói về cha mình.
Sinh thời, ông Vũ Khoan luôn kiên trì tạo dựng văn hóa đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin giữa các bên để hóa giải bất đồng, xung đột. Tài ngoại giao của ông không chỉ ghi dấu ấn ở những cuộc đàm phán lớn mà còn thể hiện qua phong cách thẳng thắn nhưng hài hước ở các cuộc họp báo.
Trong sách Vài ngón nghề ngoại giao, ông kể tại cuộc họp đông khách nước ngoài, có phóng viên hỏi tại sao Việt Nam cứ nuôi dưỡng những doanh nghiệp thua lỗ? Ông Khoan đáp rằng “chúng tôi đang chăm chú theo dõi vụ Tập đoàn điện Enron ở Mỹ sẽ được xử lý thế nào để rút kinh nghiệm” (lúc ấy đang nổ ra vụ scandal liên quan tới thua lỗ của doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ này ở Mỹ).
Lần khác, có phóng viên hỏi ông đánh giá thế nào về công việc của phóng viên nước ngoài ở Việt Nam”. Ông nói “trên đời có hai loại đối tượng hoặc chỉ khen ngợi hoặc im lặng, đó là các bà vợ và phóng viên. Tôi thường chọn cách thứ hai”.
Có lần phóng viên nước ngoài hỏi khiêu khích về nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam, ông Khoan trả lời: “Dân tộc nào trên thế giới cũng uống rượu. Đó là giá trị chung. Nhưng người Mỹ hay uống Gin, người Anh lại thích Whisky, người Pháp suốt ngày uống rượu vang, người Nhật hay nhâm nhi Sake, người Nga chỉ ưa Vodka, người Trung Quốc coi Mao đài là quốc tửu, còn người Việt Nam chúng tôi lại thích cái gọi là quốc lủi. Vấn đề nhân quyền, dân chủ cũng vậy thôi”.