Trẻ dễ tái phát viêm tai giữa do sai lầm của cha mẹ trong quá trình chăm sóc như xịt rửa mũi chưa đúng cách, dùng thuốc không theo chỉ định.
ThS.BS Phạm Đức Tuấn, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết viêm tai giữa thường gặp ở trẻ nhỏ do ống eustachian (ống nhỏ chạy từ phía sau của cổ họng trên đến tai giữa) ngắn và nằm ngang. Mầm bệnh xâm nhập vào tai giữa từ vòm họng gây nhiễm trùng.
Viêm tai giữa tái phát được định nghĩa là ba đợt trở lên trong vòng 6 tháng hoặc 4 đợt trở lên trong vòng 12 tháng. Tình trạng này xảy ra trong những năm đầu đời ở khoảng 20-30% trẻ do nhiều nguyên nhân.
Bú sữa sai cách
Sai lầm phổ biến khiến trẻ dễ tái phát viêm tai giữa là bú bình sai cách. Trẻ thường cầm bình sữa, nằm xuống giường hoặc sofa làm cho sữa chảy ngược lên phía trên mũi – tai trong quá trình nuốt. Nếu bé bú bình, phụ huynh nên bế trẻ nghiêng một góc. Với trẻ bú sữa mẹ, mẹ nên bế con thay vì cho bú nằm.
Tiếp xúc khói thuốc
Khói thuốc lá, thuốc lào khi trẻ hít phải có thể tăng mức độ tái nhiễm viêm tai giữa. Cha mẹ hạn chế cho con tiếp xúc thụ động.
Bác sĩ Đức Tuấn giải thích khói thuốc lá gây tổn thương biểu mô, giải phóng proteaser, ức chế antiprotease, suy giảm hoạt động diệt khuẩn của đại thực bào và bạch cầu trung tính. Chúng làm giảm hoạt động của niêm mạc và rối loạn chức năng eustanchian ở tai giữa. Trẻ em sống trong môi trường có khói thuốc cũng dễ viêm amidan, dị ứng, viêm xoang, nhiễm trùng phổi.
Không rửa tay thường xuyên
Cha mẹ và trẻ nên rửa tay với xà phòng từng bước trong 20 giây. Đây là một trong những cách giúp ngăn chặn vi trùng gây cảm lạnh lây lan, giảm nguy cơ tái phát viêm tai giữa.
Cảm lạnh hoặc nhiễm virus
Theo bác sĩ Tuấn, hệ miễn dịch của trẻ đang trong quá trình hoàn thiện nên dễ nhiễm trùng. Những bé thường bị cảm lạnh và nhiễm virus gây viêm mũi họng tăng khả năng viêm tai giữa. Phụ huynh nên cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ, giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng.
Tiếp xúc với nguồn lây bệnh
Những trẻ tái phát viêm tai giữa thường do mắc bệnh ở trường, lớp học. Để hạn chế nguy cơ này, cha mẹ hướng dẫn trẻ rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn; đeo khẩu trang khi tiếp xúc ở khu vực đông người.
Dùng thuốc không theo chỉ định
Sai lầm phổ biến khiến trẻ viêm tai giữa là cha mẹ sử dụng đơn thuốc cũ hoặc xin đơn thuốc từ trẻ khác từng có triệu chứng tương tự. Tự ý cho con dùng kháng sinh nhiều lần, không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc, điều trị khó khăn, ảnh hưởng tới đường ruột.
Xịt rửa mũi không đúng cách
Thói quen rửa mũi khi trẻ bị cảm cúm, viêm mũi họng có thể làm cho mũi mất lớp dịch tự nhiên ngăn cản vi khuẩn xâm nhập. Một số loại xịt mũi chứa corticoid gây teo niêm mạc mũi họng. Nhiều cha mẹ để trẻ nằm ngửa khi xịt mũi khiến tai có vị trí thấp hơn mũi họng, nước dễ lọt vào và vi khuẩn tấn công tai. Cha mẹ nên lựa chọn thuốc rửa mũi, tư thế phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nếu con tái phát viêm tai giữa nhiều lần, hơn ba lần trong 6 tháng hoặc 4 lần trong một năm, phụ huynh nên hỏi ý kiến của bác sĩ để có phác đồ điều trị, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |