Ngay khi Luật BVMT có hiệu lực, tỉnh chỉ đạo Sở NN&MT tham mưu triển khai thực hiện. Tính đến tháng 3/2025 Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành 30 văn bản quyết định/kế hoạch, tham mưu HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết ở 12/15 nội dung hướng dẫn thi hành Luật. Công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật liên quan được thực hiện bài bản, với 21 văn bản được rà soát, 12 văn bản cập nhật, 7 văn bản đang xây dựng. Các văn bản được đánh giá đảm bảo tính hợp pháp, tính đồng bộ, tính đầy đủ và tính khả thi cao, không có quy định trái luật hay mâu thuẫn với quy định của trung ương. Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trong nước chủ động ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương, được áp dụng bởi 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Trong xây dựng tổ chức bộ máy, Quảng Ninh đi đầu trong sắp xếp, kiện toàn, hợp nhất các lĩnh vực tài nguyên môi trường và nông nghiệp, thành lập Sở NN&MT. Dù bộ máy có thay đổi, song công tác BVMT không bị gián đoạn. Chi cục BVMT (Sở NN&MT) có 17 biên chế, 100% có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên. Các chi cục chuyên ngành, phòng chuyên môn tại cấp huyện vẫn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường hiệu quả.
Tỉnh bố trí, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho công tác BVMT. Từ năm 2016-2024, ngân sách nhà nước tỉnh chi cho các hoạt động BVMT gần 31 tỷ đồng. Tỷ lệ chi sự nghiệp môi trường luôn đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm, vượt định mức không thấp hơn 1% theo quy định của trung ương. Nguồn kinh phí này chủ yếu được sử dụng cho thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, duy trì hệ thống quan trắc môi trường, thực hiện các đề án kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa và khắc phục hậu quả môi trường. Đặc biệt, Tổng Công ty Đông Bắc đã chi tới 254 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2024 cho công tác BVMT tại các khu vực khai thác, cho thấy vai trò ngày càng rõ nét của doanh nghiệp trong phát triển xanh.
Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa cho BVMT. Giai đoạn 2021-2024 tỉnh thu hút thành công 5 dự án thuộc lĩnh vực môi trường với tổng vốn đầu tư hơn 48.000 tỷ đồng. Đồng thời tiếp nhận hàng loạt các dự án tài trợ, viện trợ quốc tế, như: Dự án nâng cao năng lực xử lý nước thải đảo Đầu Gỗ (Vịnh Hạ Long), Dự án SATREPS về tái chế phế thải xây dựng, Dự án xi măng xanh ứng dụng công nghệ HOTDISC, Dự án giảm thiểu rác thải ngư cụ vùng biển Việt Nam… Những dự án này không chỉ góp phần giảm ô nhiễm, mà còn thúc đẩy đổi mới công nghệ, hình thành các mô hình kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh.
Quỹ BVMT tỉnh phát huy vai trò tích cực, tiếp nhận và quản lý 265 tỷ đồng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, giải ngân ưu đãi cho các dự án xử lý chất thải nguy hại và hỗ trợ kỹ thuật cho các nhà máy đốt rác. Việc quản lý, sử dụng nguồn ký quỹ này được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, không có khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Nhờ nhiều quyết tâm trong thực hiện Luật BVMT, đến nay tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn của tỉnh đạt trên 90%, ở đô thị đạt hơn 99%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý theo quy định gần 100%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85,5%... Các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100%, CCN đạt 83,3%.
Trong công tác kiểm soát ô nhiễm, tỉnh không còn cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng từ năm 2011 đến nay. Hệ thống quan trắc môi trường tự động được triển khai đồng bộ, đặc biệt tại các khu vực nhạy cảm như Vịnh Hạ Long, KCN, cửa khẩu. Tỉnh hoàn thiện lồng ghép nội dung BVMT vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các nội dung về di sản thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu, giải pháp quy hoạch, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia. Đến nay 4/11 mục tiêu môi trường trong Quy hoạch đã hoàn thành, 7 mục tiêu còn lại đang tiếp tục triển khai.
Công tác cải cách TTHC trong lĩnh vực môi trường tiếp tục được đẩy mạnh. Từ năm 2022-2024 tỉnh phê duyệt 158 báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp 187 giấy phép môi trường. Tất cả TTHC được triển khai ở mức độ 3 và 4, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Trước yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh xác định rõ thời gian tới là tiếp tục bảo vệ bền vững môi trường tự nhiên. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, ban hành đầy đủ các văn bản chi tiết theo quy định; tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường các cấp, đặc biệt tại cấp huyện, xã. Hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải, nước thải tiếp tục được đầu tư nâng cấp, nhất là tại các đô thị đang phát triển và khu vực nông thôn. Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực môi trường, mở rộng mô hình xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác thải tại cộng đồng. Truyền thông, giáo dục pháp luật và huy động sự tham gia của toàn dân được tổ chức thường xuyên, sâu rộng hơn, làm nền tảng cho phát triển bền vững trong tương lai.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/no-luc-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-bao-ve-moi-truong-3352725.html
Bình luận (0)