Chính phủ Hà Lan đã sụp đổ sau khi liên minh 4 đảng của Thủ tướng Mark Rutte không đạt được thỏa thuận về các biện pháp kiềm chế di cư, truyền thông Hà Lan đưa tin hôm 7/7.
Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ việc đảng Đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ (VVD) của Thủ tướng Mark Rutte thúc đẩy hạn chế dòng người xin tị nạn đến Hà Lan, nhưng vấp phải sự phản đối của 2 trong số 4 đảng.
Nhiều tháng qua, liên minh này đã liên tục thảo luận để tìm ra giải pháp nhằm giảm dòng người di cư mới đến đất nước gần 18 triệu dân. Các đề xuất được đưa ra bao gồm việc phân loại thành 2 loại tị nạn, một loại tạm thời dành cho những người chạy trốn xung đột, và một loại vĩnh viễn dành cho những người cố gắng thoát khỏi sự đàn áp, đồng thời giảm số lượng thành viên gia đình được phép tham gia cùng những người xin tị nạn ở Hà Lan.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tuần này, khi ông Rutte đề xuất hạn chế việc nhập cư của con cái những gia đình tị nạn chiến tranh đã ở Hà Lan, buộc họ phải đợi ít nhất 2 năm để đoàn tụ. Đề xuất mới nhất này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Liên minh Cơ đốc giáo và đảng dân chủ D66, gây ra bế tắc.
Ông Rutte đã chủ trì các cuộc họp đêm 5-6/7 mà không đạt được thỏa thuận về chính sách di cư. Tại vòng đàm phán cuối cùng vào tối 7/7, các bên đã quyết định rằng họ không thể đạt được sự thống nhất ý kiến, do đó, không thể ở lại cùng nhau trong liên minh.
“Việc các liên minh có quan điểm khác nhau về chính sách nhập cư không phải là điều gì bí mật. Hôm nay, chúng tôi rất tiếc phải kết luận rằng chúng tôi đã không thể vượt qua những khác biệt đó. Vì vậy, tôi sẽ lập tức đệ trình đơn từ chức của toàn bộ nội các lên nhà vua”, ông Rutte nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình.
Sau khi ông Rutte từ chức, liên minh của ông sẽ tiếp tục duy trì hoạt động với tư cách là một chính phủ tạm quyền cho đến khi một chính quyền mới được thành lập sau các cuộc bầu cử mới. Quá trình này dự kiến mất hàng tháng trời trong bối cảnh chính trị phân cực và của Hà Lan, với 20 đảng trong Hạ viện 150 ghế.
Hãng thông tấn ANP trích dẫn ủy ban bầu cử quốc gia Hà Lan cho biết, các cuộc bầu cử sẽ không thể diễn ra trước nửa cuối tháng 11.
Hà Lan đã có một trong những chính sách nhập cư khó khăn nhất châu Âu. Dưới áp lực của các đảng cánh hữu, ông Rutte đã cố gắng tìm cách giảm hơn nữa dòng người xin tị nạn trong nhiều tháng.
Số lượng đơn xin tị nạn ở Hà Lan tăng 1/3 vào năm ngoái lên hơn 46.000. Quốc gia EU dự kiến con số này có thể tăng lên hơn 70.000 trong năm nay, vượt qua mức cao nhất trước đó của năm 2015.
Điều này một lần nữa sẽ gây căng thẳng cho các cơ sở tị nạn của đất nước, nơi hàng trăm người tị nạn đã buộc phải ngủ trong điều kiện khắc nghiệt với rất ít hoặc không được tiếp cận với nước uống, thiết bị vệ sinh hoặc chăm sóc sức khỏe trong nhiều tháng vào năm ngoái.
Ông Rutte cho biết, ông cảm thấy “xấu hổ” về những vấn đề này, và hứa sẽ cải thiện điều kiện tại các cơ sở, chủ yếu bằng cách giảm số lượng người tị nạn đến Hà Lan. Nhưng ông đã không giành được sự ủng hộ của các đối tác liên minh, những người cảm thấy các chính sách của ông đã đi quá xa.
Liên minh hiện tại của ông Rutte lên nắm quyền vào tháng 1/2022. Đây là chính quyền thứ tư liên tiếp của ông kể từ khi ông trở thành Thủ tướng vào tháng 10/2010.
Ông Rutte và nội các của ông đã một lần từ chức vào năm 2021 sau khi chính phủ thất bại trong việc bảo vệ hàng nghìn gia đình khỏi việc thanh tra thuế, nhưng ông đã vượt qua khủng hoảng và tiếp tục trở thành nhà lãnh đạo Hà Lan vào tháng 12 năm đó.
Nguyễn Tuyết (Theo CNN, AP, Euronews, NYTimes)