Uống rượu, ngủ không đủ giấc, căng thẳng, mắc bệnh suy giáp, rối loạn gan, u não, mang thai, trầm cảm đều có thể dẫn đến đãng trí.
Hay quên thường gặp hơn khi già đi, tuy nhiên, người trẻ cũng có thể giảm trí nhớ do nhiều nguyên nhân như yếu tố lối sống, bệnh lý, dùng thuốc.
Lão hóa
Bộ não trải qua những thay đổi khi con người già đi, có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Cụ thể là suy giảm ở vùng hải mã (vùng não liên quan đến hình thành và lấy lại ký ức); suy giảm hormone và protein bảo vệ, sửa chữa, kích thích sự phát triển của tế bào não; giảm lưu lượng máu đến não, giảm nhận thức và trí nhớ; mất chất xám (mô não).
Hay quên do thay đổi của não liên quan đến tuổi tác thường là thỉnh thoảng quên nơi để đồ đạc như điện thoại, chìa khóa, kính...; quên tên ai đó hoặc nhầm lẫn tên người khác; dễ bị phân tâm; mất nhiều thời gian hơn để học điều mới.
Yếu tố lối sống
Theo Viện Lão hóa Quốc gia Mỹ, một số khía cạnh trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhận thức và chứng hay quên.
Ngủ không đủ giấc: Ngủ quá ít và quá nhiều đều ảnh hưởng đến trí nhớ. Ngủ trung bình 7 giờ mỗi ngày giúp duy trì trí nhớ tốt hơn.
Uống nhiều rượu: Rượu có thể làm co vùng hải mã, vùng não quan trọng với trí nhớ và ảnh hưởng đến cả trí nhớ ngắn hạn và dài hạn.
Stress: Căng thẳng tâm lý có khả năng cản trở hình thành ký ức mới và nhớ lại những ký ức cũ.
Đau buồn: Chức năng não có thể thay đổi khi phải xử lý các sự kiện đau buồn, làm suy giảm trí nhớ, khả năng ra quyết định, sự chú ý và xử lý thông tin.
Chế độ ăn uống kém: Ăn nhiều cholesterol và chất béo có thể gây tổn thương não giống như bệnh Alzheimer. Chế độ ăn Địa Trung Hải, gồm nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ, các loại hạt, đậu và dầu ô liu nguyên chất, giúp giảm tỷ lệ mất trí nhớ.
Bệnh lý
Bệnh Alzheimer: Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng mất trí nhớ, hay quên là bệnh Alzheimer. Bệnh xảy ra ở các vùng não kiểm soát suy nghĩ, trí nhớ và ngôn ngữ.
Bệnh Parkinson: Parkinson là chứng rối loạn vận động thần kinh, có thể tiến triển thành mất trí nhớ.
Teo cơ xơ cứng cột bên: Bệnh ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh. Ban đầu, nó gây ra các triệu chứng về cơ và vận động, sau đó tiến triển khiến người bệnh hay quên, gặp các vấn đề về nhận thức khác và đôi khi dẫn đến mất trí nhớ.
Khối u não: Các khối u trong não chèn ép các dây thần kinh có thể dẫn đến các vấn đề về trí nhớ, suy nghĩ, lý luận, tập trung và kỹ năng ngôn ngữ.
Cục máu đông trong não: Cục máu đông ngăn chặn dòng máu đến mô não, có khả năng làm suy giảm nhận thức gọi là chứng mất trí nhớ do mạch máu.
Nhiễm trùng não: Các bệnh nhiễm trùng như bệnh Lyme (một bệnh viêm nhiễm do bọ ve đốt), HIV và giang mai có thể làm tổn thương não, khiến người bệnh hay quên và mất trí nhớ ngắn hạn.
Đau cơ xơ hóa: Đây là tình trạng đặc trưng bởi cơn đau khắp cơ thể kèm theo các rối loạn về giấc ngủ, nhận thức và tâm trạng.
Viêm não tủy sống và hội chứng mệt mỏi mạn tính: Hai tình trạng này gây rối loạn chức năng nhận thức, đặc trưng là hay quên, có thể nặng hơn sau khi gắng sức.
Rối loạn tăng động giảm chú ý: Bộ não của người bị tăng động giảm chú ý bị thiếu hụt chức năng lưu trữ và lấy lại ký ức, nên thường hay quên.
Chấn thương đầu: Chấn thương đầu gây tổn thương não khiến giảm hoặc mất khả năng nhớ các sự kiện xảy ra trước khi bị thương.
Đột quỵ: Hay quên, nhất là mất trí nhớ ngắn hạn cũng có thể do đột quỵ hoặc cơn thiếu máu thoáng qua (đột quỵ nhỏ).
Bệnh tự miễn: Lupus và các bệnh tự miễn khác đôi khi làm người bệnh đãng trí và gặp các vấn đề về nhận thức khác.
Suy giáp: Giảm hormone sản xuất tuyến giáp làm thay đổi quá trình chuyển hóa năng lượng trong não, dẫn đến rối loạn chức năng nhận thức.
Bệnh thận: Bệnh thận và chứng mất trí nhớ đều liên quan đến những bất thường của tế bào máu nhỏ, do đó người mắc thận đôi khi hay quên.
Rối loạn gan: Bệnh gan có thể dẫn đến một tình trạng gọi là bệnh não gan, gây mất trí nhớ và các vấn đề về nhận thức khác.
Mang thai: Các vấn đề về nhận thức, gồm suy giảm trí nhớ, thường gặp trong lúc mang thai. Điều này là do chức năng nhận thức bị ảnh hưởng bởi mức độ hormone giới tính tăng lên trong thai kỳ, chủ yếu là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
Tình trạng sức khỏe tâm thần: Lo lắng, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt cũng là tác nhân. Những thay đổi về thể chất trong não cản trở sự tập trung và trí nhớ ngắn hạn.
Dùng thuốc
Một số loại thuốc theo toa có thể khiến người bệnh hay quên, nhất là những thuốc ảnh hưởng đến chức năng hoặc chất hóa học của não. Ví dụ thuốc chống trầm cảm, thuốc hóa trị...
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |
Source link
Bình luận (0)