Không trả nổi tiền thuê nhà ở Sydney, Alys McDonough rời thành phố về vùng hẻo lánh mua một căn nhà đổ nát không điện nước.
Alys dùng chiếc khăn tẩm nước lau mặt, sau đó quấn quanh cổ con chó đang lè lưỡi thở trong một ngày nóng nực tháng 2 ở miền tây Australia. “Đây là thiết bị điều hòa không khí của tôi, còn được gọi là khăn xô”, cô nói với giọng tự hào.
Nhiệt độ ngoài trời khoảng 42 độ C, khiến ngôi nhà lợp tôn và không có điều hòa của Alys ở Norseman, thị trấn khai thác mỏ ở Tây Australia, cách Sydney khoảng 3.000 km, nóng như nung. Khu vực này không có điện lưới cũng như nước máy, buộc Alys phải đi tìm nước bên ngoài.
“Cuộc sống ở đây giống như đi cắm trại, khác chỗ là trên đầu có mái nhà”, cô nói. Dù vậy, mái nhà của cô cũng thủng lỗ chỗ và được vá víu bằng ván ép.
Cô không đủ tiền thuê thợ điện nước để cải tạo căn nhà, nên phải tự làm mọi việc, với tinh thần lạc quan của một người từng tham gia sản xuất phim hài.
“Đa số mọi người đều muốn nhà mình có trần thạch cao, lắp điều hòa, có nước sinh hoạt, những thứ tôi không có”, cô nói. Nhưng tất cả những gì cô cần là ánh sáng mặt trời.
Khi thợ điện nói rằng ngôi nhà không thể hòa lưới điện, Alys không mất tinh thần. Cô đã xem 10 phần loạt phim “Một mình” trước khi mua nhà nên đã chuẩn bị trước. Cô mua các tấm quang năng, ắc quy, chấp nhận lối sống không có điện lưới và cảm thấy vui vì không còn phải trả hóa đơn điện nước.
“Điện không còn là vấn đề. Tiền, nếu tôi có thể kiếm tiền bằng cách dựng tấm quang năng lên trời, tôi sẽ rất vui”, cô nói.
Tiền bạc luôn khiến Alys căng thẳng và đó cũng là lý do cô chuyển từ Sydney tới vùng hẻo lánh ở Tây Australia.
“Tất cả tiền tôi kiếm được đều dành để thuê nhà. Tôi muốn ngừng trả tiền thuê”, cô nói. “Tôi đã tìm trên Internet và phát hiện ngôi nhà rẻ nhất Australia, chính là căn này”.
Cô đã chi gần 8.000 USD để mua căn nhà năm 2007. Ngôi nhà có thể là một trong những căn rẻ nhất thị trường thời điểm đó, nhưng bây giờ, vẫn còn nhiều căn bỏ hoang trên thị trường.
Viện Vùng miền Australia cho hay có hơn 500.000 ngôi nhà chưa có người ở trong khu vực. Nhiều căn cần đánh giá lại để đảm bảo đạt tiêu chuẩn sử dụng. Giá rẻ cũng là một trong những tiêu chí hấp dẫn những người như Alys rời thành phố lớn về vùng nông thôn. Xu hướng này đã tăng 12% so với mức trước đại dịch.
“Người dân đang tìm lối sống khác, cách thức làm việc kiểu khác, họ đang tìm mô hình sinh sống mới”, Liz Ritchie, giám đốc điều hành của viện Vùng miền Australia, nói.
Alys tìm thấy ngôi nhà lý tưởng của mình ở vùng hẻo lánh Norseman. “Tôi đã có nhà, không quan trọng là nó ở đâu”, cô nói.
Trong khi Alys hài lòng về hoàn cảnh sống của mình, quyền giám đốc điều hành Hội đồng Dịch vụ Xã hội Tây Australia Rachel Siewert cho hay chính quyền chưa có nhiều chính sách hỗ trợ người muốn cải tạo những ngôi nhà không đủ tiêu chuẩn.
“Thật không may, còn nhiều người đang sống trong môi trường không đạt tiêu chuẩn và họ đang rất khó khăn bởi còn phải trang trải chi phí sinh hoạt”, bà Siewert nói. “Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như chúng ta đang đối mặt hiện nay, sinh sống trong một ngôi nhà dưới tiêu chuẩn là rất khó khăn”.
Năm 2012, Alys từng quyết định bán ngôi nhà ở vùng hẻo lánh này để quay lại thành phố ở Perth. Tuy nhiên, năm ngoái, Alys không thể tiếp tục trả hơn 300 USD tiền thuê mỗi tuần nên bị đuổi khỏi ngôi nhà thuê, đối mặt nguy cơ trở thành người vô gia cư.
“Phải nuôi một con chó với số tiền hạn hẹp trong tay, tôi nghĩ ‘Mình có thể làm gì'”, cô nói. “Tôi cuối cùng tính tới việc mua lại ngôi nhà cũ và không cần lo lắng về tình hình bất động sản ngày một tệ thế này nữa”.
Alys đã tiêu hết hơn 8.000 USD tiền tiết kiệm để mua lại nhà cũ ở Norseman và sắm một số đồ đạc. Cô rất vui vì thoát khỏi cảnh phải trả tiền cọc, tiền thuê, hóa đơn điện nước hàng tháng, phí môi giới bất động sản cũng như chịu đựng những lời phàn nàn của khách hàng trong công việc mà cô vốn không thích.
“Làm việc cật lực và dùng hết số tiền kiếm được để trả tiền thuê nhà cùng những chi phí khác, đó là điều không tốt cho sức khỏe tâm thần”, Alys nói. “Khi không phải lo lắng về tất cả những điều này, chúng ta cảm thấy nhẹ gánh áp lực”.
Chật vật đối phó cuộc khủng hoảng nhà ở và chi phí sinh hoạt, Alys tìm ra ánh sáng chạy bằng năng lượng mặt trời ở cuối đường hầm. Cô rất vui khi được ở nhà, làm một số công việc trực tuyến. Chỉ có một điều khiến Alys buồn lòng là cô giờ không đủ tiền thuê bao Netflix để xem phim.
Hồng Hạnh (Theo ABC)