USD tháng này đã mất giá 3,7% so với rổ tiền tệ lớn, trên đà ghi nhận tháng giảm mạnh nhất một năm qua.
USD yếu là tin tốt với các nước phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, do phần lớn niêm yết bằng đôla Mỹ, cũng như với các quốc gia phải trả nợ bằng đồng tiền này. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều hơn cho hàng nhập khẩu.
Dollar Index tăng mạnh giai đoạn tháng 7 đến tháng 10, với hơn 7%. Nguyên nhân là hàng loạt số liệu tích cực về kinh tế Mỹ làm bùng lên dự báo Cục Dự trữ liên bang (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức cao.
Lãi suất cao sẽ kéo giá trị đồng tiền lên. Nhà đầu tư kỳ vọng có lợi nhuận lớn hơn sẽ đổ tiền vào nước đó, từ đó làm tăng nhu cầu nội tệ.
Tuy nhiên, vài tuần gần đây, kinh tế Mỹ có dấu hiệu giảm tốc. Điều này khiến nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ hoàn tất quá trình nâng lãi và sớm cắt giảm.
USD tháng này đã mất 3,7% so với rổ tiền tệ lớn, tiến tới tháng giảm mạnh nhất trong một năm qua. “Tôi dự đoán USD còn yếu đi thêm 2 quý nữa, đặc biệt nếu có thêm bằng chứng rõ ràng về việc Fed sẽ giảm lãi suất”, Ulrich Leuchtmann – Giám đốc nghiên cứu ngoại hối tại Commerzbank cho biết trên CNN.
Cameron Willard – thành viên nhóm nghiên cứu thị trường vốn tại Ngân hàng Handelsbanken (Thụy Điển) dự báo USD tiếp tục giảm trong nửa đầu năm tới. Tuy nhiên, nếu rủi ro địa chính trị tăng lên (ví dụ như bất ổn sau các cuộc bầu cử sắp tới), đà giảm có thể đảo ngược.
Trong thời kỳ bất ổn, nhà đầu tư coi USD là công cụ trú ẩn an toàn. Họ tin rằng tài sản của họ sẽ được bảo toàn giá trị. “Tôi không cho rằng USD sẽ mất giá trong dài hạn. Để điều đó xảy ra, anh cần một tiền tệ thay thế đáng tin cậy. Nhưng USD vẫn đang là đồng tiền dự trữ của thế giới và là tiền tệ an toàn nhất. Tôi không nhận thấy điều đó sắp thay đổi đâu”, Willard cho biết trên CNN.
Người hưởng lợi khi USD yếu đi
Với các nước phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, USD yếu đồng nghĩa họ phải trả ít hơn cho các sản phẩm thiết yếu như lúa mỳ và dầu thô. Điều này sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát tại các nền kinh tế này.
Ví dụ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, cùng nhiều nước khu vực đồng euro đang dựa vào hàng hóa nhập khẩu sẽ có lợi, theo Mark McCormick – Giám đốc ngoại hối và các thị trường mới nổi tại TD Securities.
Các công ty xuất khẩu tại Mỹ cũng hưởng lợi, vì giá sản phẩm của họ sẽ rẻ đi khi đổi sang các tiền tệ khác. Hàng hóa vì thế có sức cạnh tranh hơn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Leuchtmann cho biết hàng nhập khẩu vào Mỹ cũng sẽ đắt đỏ hơn, giúp các doanh nghiệp Mỹ bán hàng trong nước cạnh tranh tốt hơn so với đối thủ nước ngoài.
Đây cũng là tin tốt với các thị trường mới nổi. Nhiều quốc gia hiện vay nợ bằng USD nên khi đồng tiền này yếu sẽ giúp họ trả nợ dễ dàng hơn.
USD yếu đi còn làm tăng cơ hội đầu tư ngoài Mỹ. “Nhìn chung, đồng đôla yếu sẽ như thủy triều lên, nâng mọi con tàu lên cao”, McCormick nhận xét.
Kẻ mất khi USD giảm
Dù vậy, người tiêu dùng Mỹ sẽ không mấy vui vẻ với tin tức này. Vì họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng nhập khẩu, như rượu vang Pháp hay đồ chơi Trung Quốc và các chuyến du lịch ở nước ngoài.
“Về cơ bản, đồng đôla yếu sẽ khiến người Mỹ nghèo hơn một chút, vì họ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng nhập khẩu, và nhận được ít tiền hơn khi xuất khẩu”, Leuchtmann cho biết.
Nếu các yếu tố khác giữ nguyên, USD yếu sẽ khiến lạm phát tại Mỹ tăng tốc. Tuy nhiên, lạm phát còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. “Tôi chắc chắn lạm phát tại Mỹ còn giảm nữa. Tuy nhiên, tốc độ này sẽ chậm hơn so với kịch bản USD mạnh”, Leuchtmann nói.
Willard cũng cho rằng thị trường việc làm và nhà đất Mỹ hạ nhiệt có thể giúp kiềm chế lạm phát, dù hàng nhập khẩu tăng. “Tôi không cho rằng Fed sẽ quá lo lắng với tình hình này đâu”, ông nói.
Hà Thu (theo CNN)