Đánh thuế lãi từ tiền gửi tiết kiệm là không phù hợp

Báo Công thươngBáo Công thương19/02/2025

Lãi từ tiền gửi tiết kiệm là nguồn thu nhập quan trọng của người dân. Việc đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là không ‘bõ’ và không đáng.


PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, câu chuyện về việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm với các cá nhân tại ngân hàng lại được xới xáo lại sau hơn chục năm đề xuất, ông bình luận gì về đề xuất này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng đề xuất này là không hợp lý. Bởi hiện nay, lãi suất tiết kiệm đang rất thấp. Nếu gửi tiết kiệm 100 triệu đồng vào ngân hàng, mỗi năm người gửi sẽ nhận được khoảng 6 triệu đồng tiền lãi. Với mức lãi suất như vậy, nguồn thu thuế từ lãi tiền gửi không quá lớn.

Lãi tiền gửi tiết kiệm là nguồn thu nhập quan trọng của người dân,
Lãi từ tiền gửi tiết kiệm là một trong những nguồn thu nhập quan trọng của người dân. Ảnh minh họa

Về lý thuyết, nếu coi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng là một khoản đầu tư, về nguyên lý đã là đầu tư và mang lại lợi nhuận thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Nhưng thực tế, tiền gửi tiết kiệm ở Việt Nam cứ nói lãi suất thực dương, nhưng cuối cùng lại ảnh hưởng bởi lạm phát.

Trên thực tế, việc người dân chọn gửi tiết kiệm vào ngân hàng vì đây là kênh đầu tư an toàn nhất chứ không phải kênh đầu tư hấp dẫn nhất.

Bên cạnh đó, để có được 100 triệu đồng gửi ngân hàng, người dân đã phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, từ thuế thu nhập doanh nghiệp đến thuế thu nhập cá nhân. Sau đó, họ mới có số dư để tích lũy. Việc người dân gửi tiền là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng huy động được nguồn lực để cho vay đối với nền kinh tế hơn là việc họ mua vàng để cất đi. Khi đó, tiền sẽ không đi được vào nền kinh tế. Nếu người dân không gửi tiền thì ngân hàng lấy đâu ra tiền để cho vay? Rõ ràng việc đánh thuế tiền gửi của người dân là không “bõ” và cũng không đáng.

Đây cũng là lý do mà cách hơn chục năm vấn đề này đã được đề xuất. Các chuyên gia cũng phân tích đi, phân tích lại và Bộ Tài chính cũng nhận thấy rằng nếu có thực hiện thu thuế đối với tiền gửi tiết kiệm thì chi phí hành thu quá lớn so với số tiền nhận được từ đánh thuế. Do đó, họ đã tiến hành không thu thuế.

-Dòng tiền cần được đưa vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và kinh doanh. Một số ý kiến lo ngại, việc đánh thuế tiền lãi tiết kiệm sẽ dẫn đến tình trạng ngân hàng không huy động được vốn, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động, điều này cũng sẽ tác động đến lãi suất cho vay. Ông bình luận gì về việc này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đúng vậy, người dân gửi tiền tiết kiệm thì ngân hàng mới có được nguồn lực để cho vay đầu tư và sản xuất, kinh doanh. Việc áp thuế tiền gửi tiết kiệm khiến người dân vốn không còn mặn mà với việc gửi tiền vào ngân hàng. Điều này buộc ngân hàng phải tăng lãi suất huy động, đồng nghĩa ngân hàng bắt buộc phải tăng chi phí huy động vốn.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: N.H

Tăng lãi suất huy động sẽ tác động ngược lại đến lãi suất cho vay, ảnh hưởng đến nguồn lực chi phí vốn cho sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp, người dân vẫn là đối tượng phải chịu tác động mạnh nhất. Điều này sẽ tác động ngược lại lạm phát và các vấn đề khác. Mặt khác, khi sử dụng tiền gửi tiết kiệm của khách hàng để đầu tư, kinh doanh thì bản thân các ngân hàng đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc mở rộng cơ sở thuế được xem là xu hướng nhằm tăng nguồn thu, tuy nhiên, nếu chính sách không thấu đáo thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen gửi tiết kiệm của người dân và dòng vốn huy động trong hệ thống ngân hàng. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách thuế luôn cần sự đánh giá cẩn trọng về tác động đến xã hội và kinh tế. Rõ ràng, việc tìm tiếng nói chung giữa mục tiêu tài khóa và ổn định thị trường tài chính vẫn là bài toán nhiều thách thức.

-Việc đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi không phải là chuyện hiếm trên thế giới. Thái Lan đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng, Trung Quốc cũng thu thuế đối với thu nhập từ lãi suất, trong khi Hàn Quốc coi tiền lãi là thu nhập phải nộp thuế. Với Việt Nam, theo ông, điều kiện nào thì có thể thực thi chính sách này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Để Việt Nam có thể đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, điều đầu tiên đó là kinh tế phải ổn định, lạm phát thấp, thu nhập bình quân đầu người của người dân phải cao. Bên cạnh đó, tiền gửi huy động của ngân hàng phải lớn, lúc đó, việc đánh thuế mới phù hợp.

Thu nhập của người dân vẫn thấp. Lạm phát của chúng ta vẫn còn tương đối cao, đồng thời việc huy động vốn vẫn đang khó khăn, cộng thêm với việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm thì tôi sợ sẽ chẳng ai còn gửi tiết kiệm nữa.

Xin cảm ơn ông!

Bài toán đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm một lần nữa trỗi dậy khi UBND TP. Cần Thơ góp ý dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) do Bộ Tài chính chủ trì. Theo đó, địa phương này kiến nghị chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản lãi tiền gửi có quy mô nhỏ, còn lãi suất tiền gửi lớn thì cần đưa vào diện chịu thuế. Điều đáng nói, ý tưởng đánh thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm không phải lần đầu xuất hiện. Trước đây, năm 2013 và năm 2017, từng có một số đề xuất tương tự.


Nguồn: https://congthuong.vn/danh-thue-lai-tu-tien-gui-tiet-kiem-la-khong-phu-hop-374551.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam
Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view

No videos available