Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, mức sinh thay thế tại Việt Nam đang giảm đáng kể trong 12 năm qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.
Cụ thể, tổng tỉ suất sinh năm 2022 đạt 2,01 con/phụ nữ, và dự kiến giảm xuống 1,96 con/phụ nữ vào năm 2023. Xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.
Hai khu vực báo động là vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Mức sinh tiếp tục xuống sâu, khoảng 1,5 con/phụ nữ. Trong khi đó, tại một số nơi có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, mức sinh vẫn cao, thậm chí rất cao trên 2,5 con/phụ nữ.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng. Việc làm này nhằm đảm bảo phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con. Đồng thời, các cặp vợ chồng, cá nhân cần bảo đảm trách nhiệm chăm sóc và nuôi, dạy con tốt; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Đây là một sự thay đổi so với Pháp lệnh Dân số hiện hành, vốn quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được “Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Bộ Y tế nhấn mạnh rằng, chính sách mới này sẽ giúp khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, đồng thời tránh được nguy cơ già hóa dân số nghiêm trọng.
Ngay khi đề xuất trên được đưa ra, nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ với đề xuất của Bộ Y tế về việc “nới” quy định sinh con.
Chị Nguyễn Thu Hương (Hà Nội) tâm sự: “Vợ chồng tôi đều là con một. Thuở nhỏ, tôi không có chị em để chơi chung. Khi tôi lớn lên, ba mẹ rồi ông bà nội, ông bà ngoại (vốn chỉ sinh mỗi mình ba và mẹ tôi) bệnh, chỉ một mình tôi xoay xở. Tôi không muốn con mình rơi vào hoàn cảnh giống mình. Cả chồng tôi cũng vậy”.
Do vậy, khi có đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh 1 hoặc 2 con, chị Hương ủng hộ với ý kiến của Bộ Y tế.
“Thấu hiểu hoàn cảnh con một nên tôi luôn muốn mình có đông con để vui cửa vui nhà và các con hỗ trợ nhau mỗi khi gia đình có công việc, chứ không phải gồng gánh một mình”, chị Hương bày tỏ.
Hiện đang có hai con, chị Vũ Thị Hà (Bắc Ninh) cũng đồng tình với chủ trương “cởi trói” về số con của mỗi cặp vợ chồng.
“Chồng tôi là cảnh sát biển, quanh năm lênh đênh sóng gió. Nếu có điều kiện, tôi sẽ sinh tiếp để nhà có cảm giác đông vui”, chị Hà nói.
Anh Nam – chồng chị Hà cũng đồng tình với quan điểm của vợ: “Nếu được phép sinh thêm, chắc chắn chúng tôi cũng sẽ nắm ngay cơ hội. Chỉ thương vợ tôi vất vả thôi”.
Là một Đảng viên đang công tác tại địa phương, anh Hạ Văn Cương (Vĩnh Phúc) chia sẻ, việc “cởi trói” quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh 1 hoặc 2 con như một tất yếu.
Theo anh Cương, giai đoạn chúng ta ban hành Pháp lệnh Dân số năm 2003 và những quy định trước đó nữa chính là thời điểm bùng phát tỷ lệ sinh con thứ ba, khi ấy đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, quan niệm “có nếp, có tẻ”, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn hằn trong tâm thức người Việt khắp từ thành thị đến thôn quê. Sau ngần ấy năm truyền thông, nhận thức của người dân thay đổi, tỷ lệ tăng sinh dưới “mức sinh thay thế” nên việc “cởi trói” cho quy định cũ là cần thiết.
“Nếu thấy đủ khả năng về kinh tế, về điều kiện nuôi dạy con, tôi cũng sẽ sinh thêm con khi bãi bỏ quy định không cho phép cán bộ công chức, đảng viên sinh con thứ ba”, anh Cương nói.
Nguồn: https://giadinhonline.vn/nguoi-dan-noi-gi-ve-de-xuat-bo-quy-dinh-chi-duoc-sinh-1-hoac-2-con-d200045.html