Dòng tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng lần đầu giảm sau hơn hai năm liên tục tăng.
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến cuối tháng 1/2024, người dân gửi tiền tại ngân hàng đạt khoảng 6,5 triệu tỷ đồng. Mức này giảm gần 35.000 tỷ so với đầu năm, tương đương hơn 0,5%.
Trước đó, từ cuối năm 2021, dòng tiền này liên tục tăng, bình quân trên 50.000 tỷ đồng mỗi tháng. Với dữ liệu mới từ nhà điều hành, tiền gửi của dân cư lần đầu giảm trong hơn hai năm qua.
Tương tự, doanh nghiệp, tổ chức cũng giảm gửi tiền vào ngân hàng, ở mức 6,67 triệu tỷ tính tới cuối tháng 1. Mức này ít hơn 165.000 tỷ đồng so với đầu năm, tức hạ trên 2,4%.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến 25/3, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng hạ 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.
Như vậy, sau giai đoạn gửi ồ ạt, dòng tiền vào hệ thống ngân hàng đã dịch chuyển trước môi trường lãi suất thấp kéo dài. Mặt bằng lãi huy động tại hầu hết ngân hàng không quá 5% một năm. Riêng khoản gửi ngắn hạn vài tháng, lãi suất dao động 2-4% một năm, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Mặt khác, khẩu vị đầu tư của người dân cũng ít nhiều thay đổi trong bối cảnh thị trường tài chính biến động. Họ chọn kênh có tỷ suất sinh lời tốt hơn để “xuống tiền”. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, vàng sinh lời 14,8-22,3%, tốt hơn chứng khoán và gửi tiết kiệm, lần lượt 12,8% và 1,2%.
Trong bối cảnh này, để giữ chân người gửi, nhiều ngân hàng rục rịch tăng lãi huy động, thay vì giảm như trước. Nhờ đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng hạn chế hơn so với mọi năm.
Quỳnh Trang