Ngân hàng vẫn là một lựa chọn hấp dẫn, nên gửi tiền ở đâu?

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế15/02/2025

Ngay trong tháng đầu năm 2025, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi.


Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 2/2023? (Nguồn: Zing)
Lãi suất huy động trong năm qua đã tăng thêm 0,71%, góp phần thu hút dòng tiền đáng kể từ người dân vào hệ thống ngân hàng. (Nguồn: Zing)

Mức lãi suất trên 6%/năm áp dụng nhiều hơn đối với các kỳ hạn dài từ 12 tháng như tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)...

Tuy nhiên, sang đến tháng 2, xu hướng lãi suất đang có dấu hiệu đảo chiều.

Lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank)... lại điều chỉnh giảm.

Theo số liệu công bố mới nhất, tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024 với tổng huy động vốn vượt 12,8 triệu tỷ đồng, tăng gần 12,9% so với cuối năm 2023. Sự gia tăng mạnh mẽ này xuất phát từ xu hướng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm bắt đầu từ quý II/2024.

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất huy động trong năm qua đã tăng thêm 0,71%, góp phần thu hút dòng tiền đáng kể từ người dân vào hệ thống ngân hàng.

Xét về tốc độ tăng trưởng, một số ngân hàng thương mại ghi nhận kết quả đáng chú ý như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) với mức tăng mạnh đến 25,4% so với năm 2023, đạt 714.066 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng 17,3% với 536.746 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng 11,6% ghi nhận 496.106 tỷ đồng...

Nhưng nếu xét về quy mô huy động vốn, nhóm "Big 4" vẫn dẫn đầu hệ thống dù lãi suất tiền gửi ít có sự thay đổi, thậm chí một số kỳ hạn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước giữa bối cảnh nhóm các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ có xu hướng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm nhằm hút vốn đầu vào.

Theo đó, các ngân hàng thuộc nhóm "Big 4" gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ghi nhận tổng huy động vốn trong năm 2024 vượt 7 triệu tỷ đồng, chiếm 56% thị phần toàn ngành.

Cụ thể, Agribank là ngân hàng có lượng huy động lớn nhất, lần đầu tiên cán mốc 2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023. BIDV ghi nhận 1,929 triệu tỷ đồng, tăng 14,5%; VietinBank đạt hơn 1,603 triệu tỷ đồng, tăng 13,8%; trong khi Vietcombank huy động hơn 1,515 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm trước.

Ngoài nhóm này, chưa có ngân hàng nào đạt mốc 1 triệu tỷ đồng về huy động vốn.

Xu hướng gia tăng tiền gửi vào ngân hàng có liên quan đến tâm lý thận trọng của người dân trước những biến động của kinh tế toàn cầu.

Lạm phát gia tăng, bất ổn địa chính trị và sự suy giảm tại nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đã khiến dòng tiền tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước và sự ổn định của hệ thống tài chính cũng góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá: "Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động thất thường, bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản và giá cả biến động, trong khi vàng và ngoại tệ không ổn định, làm gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư thì tiền gửi ngân hàng vẫn là một lựa chọn hấp dẫn".



Nguồn: https://baoquocte.vn/ngan-hang-van-la-mot-lua-chon-hap-dan-nen-gui-tien-o-dau-304409.html

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available