Tôi bị ung thư vú đã phẫu thuật được hai tuần, chuẩn bị hóa trị. Tết này tôi có được ăn bánh chưng, bánh tét không? (Thanh Hoa, Vĩnh Long)
Trả lời:
Bánh chưng, bánh tét được chế biến từ gạo nếp, thịt heo, đậu xanh gói trong lá chuối hoặc lá dong, luộc trong vòng 12 tiếng. Đây là món ăn truyền thống trong dịp Tết Nguyên Đán.
1/8 cái bánh chưng hay một khoanh bánh tét có lượng calo tương đương một chén cơm đầy ăn cùng thức ăn. Loại bánh này giàu năng lượng (calo) dễ gây tăng cân nhưng cơ thể lại không nhận được nhiều dinh dưỡng khác như chất đạm, vitamin, khoáng chất, chất xơ. Người bệnh nên ăn với số lượng ít, có thể kết hợp với một ít kim chi, hành muối, củ kiệu.
Người bệnh đang điều trị với thuốc nội tiết có thể bị tăng cân nhanh do tác dụng phụ của thuốc. Nếu ăn quá nhiều bánh chưng, bánh tét, người bệnh tăng cân khó kiểm soát hơn.
Bánh chưng, bánh tét còn gây đầy bụng, khó tiêu, khiến bạn giảm lượng thức ăn mà cơ thể cần. Người bệnh ung thư vú có thể trạng béo phì không nên ăn bánh chưng, bánh tét chiên vì chứa nhiều năng lượng và chất béo không tốt cho sức khỏe.
Với người bệnh vừa phẫu thuật vú, vết sẹo đang lành dần, không nên ăn món này vì nếp có tính nóng, dẻo dễ khiến vết thương sưng, mưng mủ. Vết thương lâu lành gây viêm nhiễm, để lại sẹo xấu, sẹo lồi mất thẩm mỹ.
Trong dịp Tết Nguyên đán cũng như bữa ăn hàng ngày, bạn nên đảm bảo khẩu phần đa dạng thực phẩm như thịt, cá, trứng, rau, trái cây, ngũ cốc, phô mai, sữa… Cơ thể đủ chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm mệt mỏi khi điều trị bệnh và phục hồi sau điều trị.
BS.CKI Đỗ Anh Tuấn
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |